Hành trang tới Olympic 2016: Thiếu thầy, cố gặt vàng

Cập nhật ngày: 22/07/2016 13:19:49

Cầu lông và judo là những môn sẽ dự Olympic 2016 hoàn toàn chỉ có VĐV mà không có HLV trực tiếp đi cùng. Tuy nhiên, uẩn khúc trong sự vắng mặt HLV ấy cũng có nhiều dù thực tế, đoàn thể thao Việt Nam phải họp không dưới 3 lần mới đưa quyết định danh sách như vậy.

Chuyện không hiếm

Theo tìm hiểu, Bộ môn cầu lông và judo từng có nguyện vọng cử HLV (nhưng không phải những người trực tiếp huấn luyện các tuyển thủ) cùng đi với VĐV tới Brazil làm công tác chuyên môn. Điều này hoàn toàn không phù hợp nên sự tham vấn đó bị bác bỏ. Tiến Minh hay Vũ Thị Trang từ lâu không có sự đồng hành của HLV trực tiếp nào cùng mình mà họ tự tập luyện cùng thi đấu. Có chăng, người đi cùng Trang hay Minh mang ý nghĩa chuyện lo hậu cần. Judo của Văn Ngọc Tú thì ít ai hiểu, những HLV trưởng của ĐTQG như Lê Duy Hải (trước đây) hay Lê Quốc Thám (hiện tại) đều không phải thầy ruột của “nữ hoàng judo”.


Khó tìm HLV nào thích hợp với Văn Ngọc Tú khi VĐV này chủ yếu là tự tập. Ảnh: T.L.

Ngọc Tú có quãng thời gian tập cùng chuyên gia Trung Quốc trong suốt quá trình dài chuẩn bị Olympic và thi đấu trước đây. Tiếc rằng, ông này đã về nước. Vì lẽ đó, Ngọc Tú trong quá trình tập huấn ở Hàn Quốc thời gian qua cũng như tập tại Việt Nam trên giáo án chung của các HLV quản lý nơi tập nhưng thực chất là tự tập. Gương mặt chút ưu tư của Tú “dừa” (mọi người vẫn gọi cô trìu mến như vậy) ở Lễ xuất quân đoàn thể thao Việt Nam mới đây là dễ cảm nhận. Tú chia sẻ, cô vui lắm vì lần thứ 2 mình được suất chính thức dự Olympic nhưng bây giờ cũng có chút suy nghĩ vì không có thầy trực tiếp đi cùng.

Dẫu sao, Tú khẳng định, là VĐV chuyên nghiệp và vì màu cờ sắc áo, cô luôn thi đấu hết khả năng. “Ít nhất tôi đặt mục tiêu phải có một chiến thắng tại Olympic 2016, dù gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt VĐV của các nước”, Tú giãi bày. Xét đi tính lại cũng như nhận được những văn bản cụ thể để tự mình có thể thi đấu từ tuyển thủ, đoàn thể thao Việt Nam mới chốt danh sách cuối cùng (tất nhiên, vẫn có thành viên thẩm định được chuyên môn cùng phiên dịch sát cánh với tuyển thủ tại Brazil sắp tới). Chúng tôi chia sẻ ra đây hoàn toàn không phải để khiến sự chuẩn bị của các tuyển thủ hay đoàn thể thao Việt Nam bị xao động mà đơn thuần, chỉ để mọi người thấy các VĐV rất nỗ lực cho quyết tâm thi đấu của mình. Vượt khó khăn thi đấu, mang dấu ấn màu cờ sắc áo thì ai cũng hướng tới.

Nỗ lực ép cân

Thi đấu Olympic không hề đơn giản. Lúc này, những môn mang tính chất cân đo, định lượng cân nặng để tranh tài như vật, cử tạ, judo bước vào giai đoạn quan trọng nhất. Từng tuyển thủ phải ép cân để đạt số cân đúng tiêu chuẩn đề ra. Nhìn Vũ Thị Hằng, Nguyễn Thị Lụa (vật) nhỏ nhắn như thế nhưng ít ai hiểu, từ nay tới ngày họ thi đấu chính thức ở Olympic 2016, mỗi ngày đều phải ép cân. Hay Ngọc Tú cũng thế. Mỗi lần chuẩn bị thi đấu quốc tế, chuyện ép cân là điều bình thường. Nhưng rõ ràng, với đại hội lớn như Olympic, tất cả đều hồi hộp chứ không phải dễ dàng.

“Chúng tôi vẫn tự tin để mình giữ được cảm giác thoải mái nhất. Quyết tâm là có nhưng áp lực sẽ làm mình thêm căng thẳng thì vì sao phải tự làm khó mình”, Lụa cho biết trong ngày Lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam. Trước “giờ G” đoàn lên đường, các tuyển thủ được quán triệt ém quân tối đa để giữ tâm lý tốt nhất và tránh chấn thương. Mọi người hy vọng sự chuẩn bị sẽ chu đáo nhất.

Tổng cục TDTT đã thưởng mỗi tuyển thủ của đoàn Việt Nam dự Olympic 2016 mức thưởng 15 triệu đồng/người. Trong ngày 21-7, lãnh đạo Vụ thể thao thành tích cao 2 đã trực tiếp mang tiền tới trao tận tay các tuyển thủ đang có mặt tại Việt Nam trước giờ họ lên đường đi thi đấu nhằm khích lệ tinh thần.

Nguyễn Đình/SGTTO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn