“Tủ sách lớp em” góp phần phát triển văn hóa đọc trong học đường

Cập nhật ngày: 26/12/2018 15:01:48

ĐTO - Qua hơn 4 tháng triển khai và nhân rộng, mô hình “Tủ sách lớp em” tại các điểm trường phổ thông của huyện Hồng Ngự đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện trường học, đồng thời tạo thói quen đọc sách cho học sinh (HS) vùng biên giới.


Mô hình “Tủ sách lớp em” góp phần kích thích văn hóa đọc trong học sinh

Mô hình “Tủ sách lớp em” thực hiện từ Chương trình “Sách hóa nông thôn” do ông Nguyễn Quang Thạch – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng tài trợ. Mô hình được thực hiện thí điểm tại Trường THCS Thường Thới Hậu B vào đầu năm học 2018 – 2019, thông qua sự giới thiệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Tiếp nhận mô hình, ngay từ đầu năm học, nhà trường phân công cán bộ thư viện xây dựng kế hoạch “Tủ sách lớp em” và triển khai tại phiên họp hội đồng đầu năm, trong tiết sinh hoạt dưới cờ, họp Ban Đại diện cha mẹ HS. Từ nguồn hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng, nhà trường đã xây dựng 13 tủ sách HS và 1 tủ sách giáo viên (GV) với 518 bản sách, kinh phí hơn 22 triệu đồng. Trong tháng 9 vừa qua, Trường THCS Thường Thới Hậu B tiếp tục vận động GV, nhân viên, phụ huynh và HS tự nguyện đóng góp sách để tăng số lượng đầu sách phục vụ mô hình. Kết quả, thu được 579 bản sách, ước tính trị giá hơn 10 triệu đồng.

Theo thầy Lê Văn Lộc – Hiệu trưởng Trường THCS Thường Thới Hậu B: Mô hình “Tủ sách lớp em”, giúp HS thấy được giá trị của sách, biết quý trọng, bảo quản, giữ gìn và chia sẻ sách lẫn nhau. Từ đó, hình thành thói quen đọc sách, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tình trạng bạo lực học đường, tai nạn thương tích trong trường từng bước được cải thiện.

Từ ngày có mô hình “Tủ sách lớp em”, ngày nào Trần Thị Quế Trân (HS lớp 6A1, Trường THCS Thường Thới Hậu B) cũng tranh thủ giờ ra chơi hoặc cuối buổi học để đọc sách. Quế Trân cho biết: “Từ ngày có “Tủ sách lớp em”, em và các bạn trong lớp cảm thấy thích thú hơn với việc đọc sách. Em nhận thấy đây là mô hình hay, bổ ích chúng em có thêm thật nhiều sách tham khảo, bổ sung kiến thức, phục vụ việc học tập tốt hơn...”.

Nhận thấy mô hình này có hiệu quả, Phòng GD&ĐT huyện đã đề nghị Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng tiếp tục nhân rộng ở 9 trường Tiểu học và 3 THCS trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện Hồng Ngự đã có 47 tủ sách, với 2.067 quyển, ước tính chi phí trang bị cho mỗi tủ sách khoảng 1,5 triệu đồng.

Trường Tiểu học Phú Thuận B2 cũng là một trong những đơn vị được tham gia thực hiện mô hình “Tủ sách lớp em”. Tính đến nay, nhà trường đã vận động 9,5 triệu đồng và hơn 2.000 đầu sách để xây dựng “Tủ sách lớp em” đặt tại mỗi lớp học.

Thầy Nguyễn Hữu Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi nhận được sách do Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng tài trợ, HS và tập thể GV của trường đều phấn khởi. Mô hình đã góp phần đưa những cuốn sách đến tận HS chứ không chỉ dừng lại ở các thư viện. Đồng thời tạo hứng thú đọc sách cho HS, tạo điều kiện thuận lợi cho HS tiếp cận với sách báo, rèn luyện thói quen đọc sách để tiếp thu, trau dồi tri thức, từ đó hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Theo đánh giá của Phòng GD&ĐT, bước đầu, mỗi lớp và GV chủ nhiệm tự trang trí tủ sách của lớp mình một cách khoa học, có tính thẩm mỹ, đồng thời giao cho HS tự bảo quản tủ sách của lớp. Mỗi trường cũng đưa ra nhiều biện pháp giúp mô hình thực hiện ngày càng hiệu quả như: hàng tuần, hàng tháng phát động phong trào kể chuyện theo sách dưới cờ, hay trong các tiết ngoại khóa, có động viên, khuyến khích khen thưởng. Ngoài ra, các hoạt động trao đổi sách giữa các lớp sau 1 tháng là cách giúp cho HS tiếp cận nhiều đầu sách khác nhau, phục vụ tốt nhu cầu về kiến thức, thông tin. Bên cạnh, nhà trường thường xuyên vận động HS và phụ huynh tặng sách cho thư viện trường hoặc bổ sung vào tủ sách của lớp.

Ông Nguyễn Hữu Tiến – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hồng Ngự cho biết: “Thông qua mô hình “Tủ sách lớp em” đã giúp HS cảm thấy hứng thú, muốn ngày có thêm nhiều sách hay để đọc, đồng thời rèn cho các em thói quen đọc sách và bảo quản sách. Sắp tới, huyện sẽ đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình “Tủ sách lớp em” cho tất cả các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện”.

Vừa qua, Sở GD&ĐTđã tổ chức Hội thảo mô hình “Tủ sách lớp em” và tham quan mô hình tại Trường THCS Thường Thới Hậu B với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thư viện tỉnh và các Phòng GD&ĐT 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Sau khi tham quan thực tế, đa phần các đại biểu đều đánh giá cao mô hình “Tủ sách lớp em” trong việc góp phần hình thành thói quen đọc sách, nâng cao ý thức tự học và phát triển văn hóa đọc trong HS và nhà trường, xã hội. Đây là cơ sở để các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình này tại địa phương mình.

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn