Tình nguyện vì sức khỏe nhân dân

Cập nhật ngày: 16/10/2017 10:29:44

ĐTO - Làm việc vào ngày nghỉ, không thu nhập, nhưng các y, bác sĩ trẻ vẫn cần mẫn khám, tư vấn cho bệnh nhân nghèo, qua đó giúp bệnh nhân tránh được những rủi ro, nguy hiểm do không thể khám chữa bệnh đúng tuyến và đúng chuyên khoa.


Các y, bác sĩ Phòng khám nhân đạo tỉnh khám bệnh cho người dân

Phòng khám làm ấm lòng bệnh nhân nghèo

Chúng tôi đến Phòng khám nhân đạo vào một buổi sáng cuối tuần. Tọa lạc tại TP.Cao Lãnh, thế nhưng gần 300 bệnh nhân đến khám bệnh lại là những người dân đến từ khắp nơi trên địa bàn Đồng Tháp, thậm chí có người quê tỉnh Long An, An Giang.

Bắt đầu từ 6 giờ 30 phút, “guồng máy” tại đây “chạy” không ngưng nghỉ. Thỉnh thoảng các y, bác sĩ chỉ kịp uống một ngụm nước để trên bàn rồi quay qua đo huyết áp, khám bệnh, tư vấn. Cứ như thế, hết bệnh nhân này đến lượt bệnh nhân khác. Người bệnh tìm đến có khi là cụ già, cháu bé, có khi là những bạn trẻ ở độ tuổi đôi mươi, tất cả đều có hoàn cảnh khó khăn.

Đến 9 giờ sáng, Phòng khám càng đông, nhiều người đi xe buýt từ Hồng Ngự, cũng có không ít người bán vé số, bán hàng rong đến khám bệnh. Qua đây cho thấy nhu cầu được khám bệnh, chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân nghèo còn rất cao.

Gia đình sống bằng nghề làm thuê và đan lục bình, mỗi ngày cô Nguyễn Thị Diễm ngụ ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười có thu nhập từ 20 - 40 ngàn đồng nên mỗi khi trở bệnh không làm được thì nhà cô lâm vào cảnh khó khăn. “Vốn hay mắc bệnh lói tức vùng ngực và nhức đầu, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên hiện tôi chưa có điều kiện mua bảo hiểm y tế. Khi nghe người hàng xóm nói có phòng khám ở Cao Lãnh trị bệnh hiệu quả mà không tốn tiền, tôi đến khám 2 lần, giờ không còn bệnh nữa, mừng lắm”.

Cô Nguyễn Thị Đẹp ngụ ấp 1, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh thì chia sẻ: “Tôi quê ở Cà Mau, do giấy tờ tùy thân của tôi thất lạc nhiều năm đến giờ chưa tìm được nên không thể mua bảo hiểm y tế. Hoàn cảnh của tôi cũng quá khó khăn nên mỗi lần đi khám, tiêm thuốc trị bệnh viêm mũi ở phòng khám tư nhân thấy quá tốn kém. May mà tôi biết phòng khám nhân đạo khám, phát thuốc miễn phí, các y, bác sĩ ở đây rất ân cần. Giờ tôi thiệt khỏe rồi. Tôi sẽ tiếp tục bán vé số và đi làm thêm nghề phụ hồ”.

Tổ chức hoạt động vào sáng thứ Bảy hàng tuần, đến nay Phòng khám đã có 250 thành viên thay phiên nhau trực, hầu hết là các y, bác sĩ trẻ đến từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp. Mỗi buổi trực, Phòng khám luôn đảm bảo từ 5 - 7 bác sĩ; 10 - 15 điều dưỡng, dược sĩ trung học, dược tá và tình nguyện viên.

Bác sĩ trẻ Lê Trung Nghĩa - công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp chia sẻ: “Khám nhiều bệnh nhân, tuy có mệt nhưng lại là niềm vui đối với mình, vì góp phần giúp bà con nghèo khỏi bệnh. Ngoài ra, được khám bệnh cho bệnh nhân cũng rèn cho bản thân mình và đồng nghiệp khả năng giao tiếp đối với bệnh nhân, cũng như khả năng khám, sàng lọc bệnh ngày tốt hơn”.

Để có nguồn thuốc phát điều trị cho bệnh nhân, mỗi tháng các y, bác sĩ Phòng khám Nhân đạo vận động nhận được nguồn hỗ trợ định kỳ (bằng thuốc) của Công ty XNK Y tế Domesco trị giá 5 triệu đồng. Ngoài ra còn có các Công ty Dược phẩm Imexpharm, Công ty Dược Hậu Giang, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tài trợ thuốc và kinh phí mua các loại thuốc đặc trị, các y cụ, cơ sở vật chất phòng khám.

Hoạt động Khám bệnh nhân đạo lan tỏa

Công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, người dân được tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở. Tuy nhiên, ở những vùng nông thôn, không ít người dân còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật,... đây là nhóm đối tượng cần được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh, tư vấn và chăm sóc sức khỏe hiệu quả.

Trước thực tế trên, y, bác sĩ trẻ ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện trong tỉnh đã lập thành đoàn phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức các hoạt động khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, đơn vị. Đây cũng là cơ sở cho thấy hoạt động nhân đạo vì người nghèo của các đồng nghiệp trẻ trong ngành y tế ở các địa phương trong tỉnh đang được quan tâm.

Đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo của các y, bác sĩ trẻ Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc là một trong những điển hình trong công tác khám, chữa bệnh nhân đạo ở Đồng Tháp. Mỗi năm, đoàn thực hiện kế hoạch khám, chữa bệnh nhân đạo tại 5 huyện, thành phố phía Nam sông Tiền của tỉnh. Ngoài ra, đoàn còn phối hợp với nhiều địa phương tổ chức khám chữa bệnh đột xuất khi các địa phương có nhu cầu. Hầu hết các y, bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh nhân đạo đều là đoàn viên hoặc những người vừa mới hết tuổi Đoàn. Trong những chuyến đi của đoàn đều có y, bác sĩ ở các chuyên khoa.

Mỗi chuyến đi khám chữa bệnh nhân đạo là những kỷ niệm không thể nào quên của các thành viên trong đoàn. Bác sĩ chuyên khoa I - Lê Trung Trí - Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc chia sẻ: “Khi về vùng sâu, vùng xa, khi thì đoàn tổ chức khám bệnh tại trạm y tế, khi ở nhà dân, bà con đến khám bệnh, rồi nắm tay hỏi chuyện các thành viên trong đoàn, mình thấy xúc động lắm”.


Chuẩn bị phát thuốc

Tuy mỗi người ở mỗi vị trí và nhiệm vụ khác nhau nhưng các y, bác sĩ trẻ trong tỉnh Đồng Tháp luôn có chung một tấm lòng là tự nguyện chăm sóc sức khỏe, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm với người bệnh, đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là tinh thần “hết lòng vì bệnh nhân nghèo”.

“Hoạt động khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo của y, bác sĩ trong các đoàn khám chữa bệnh nhân đạo cũng như Phòng khám nhân đạo ở TP.Cao Lãnh đã nói lên được tấm lòng, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của các y, bác sĩ tận tâm, luôn hoạt động vì cộng đồng. Họ đã tự nguyện tham gia để đem những kiến thức của mình phục vụ cho những mảnh đời bất hạnh. Các y, bác sĩ xứng đáng với y đức của người thầy thuốc, nhất là từ khi triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, bản thân mỗi y, bác sĩ tự rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng với lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu” - bác sĩ Võ Thị Kim Oanh - Trưởng Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) bộc bạch.

Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 72 đợt khám chữa bệnh nhân đạo. Tổng số người được khám là gần 27 ngàn người, tổng số tiền cấp thuốc gần 2,5 tỷ đồng. Riêng Phòng khám nhân đạo tỉnh mỗi tuần khám, chữa bệnh cho 200 - 400 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn