In bài

Dấu ấn Võ Văn Kiệt nơi vùng đất chín rồng
Bài 3: “Thủ tướng của nhân dân”
Cập nhật ngày: 26/11/2012 05:14:24

Từ Đồng Tháp Mười đến Tứ giác Long Xuyên, hình ảnh của vị Thủ tướng Võ Văn Kiệt in đậm trong tim của cư dân miền sông nước.

Với vùng đất Đồng Tháp Mười, có lẽ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là cán bộ cao cấp đã đến làm việc nhiều với hầu hết các huyện trong vùng Đồng Tháp Mười. Cũng từ đây, những cụm từ “Sống chung với lũ”, “kiểm soát lũ” đã được ông nói chính thức, đầu tiên tại hội nghị quy hoạch thủy lợi, phòng chống lũ ở Đồng Tháp Mười tổ chức ở Đồng Tháp năm 1995.


Phút nghỉ trưa giản dị trong thuyền trên đường về thăm Đồng Tháp
(Ảnh: Internet)

Còn tại vùng Tứ giác Long Xuyên, từ ngày tuyến kênh Võ Văn Kiệt chính thức thông dòng, hệ thống kênh mương nội đồng nơi đây phát huy hiệu quả, cảnh nước lũ trắng đồng và nhà chỉ còn nóc đã không còn xuất hiện.

Những năm ấy, cụm từ “lũ đẹp” bắt đầu xuất hiện. Và định nghĩa “sống chung với lũ từ đó cũng hình thành”.

Theo Giáo sư-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nhà khoa học hàng đầu trong nước, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, người từng nhiều lần tháp tùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong nhiều chuyến công tác khẳng định: “Chính đồng chí Võ Văn Kiệt chứ không phải ai khác đưa ra ý tưởng ĐBSCL phải chung sống với lũ”.

Có thể thấy, mùa lũ lớn năm 2011 vừa qua là dịp để ĐBSCL kiểm chứng tính hữu dụng của các công trình “sống chung với lũ” được Chính phủ thúc đẩy thực hiện từ hơn 10 năm trước.

Tại nhiều điểm xung yếu vùng Tứ Giác Long Xuyên, các tuyến đê bao cùng mô hình cụm, tuyến dân cư vượt lũ được khởi động từ cuối những thập niên 90 của thế kỷ trước, đến nay đã phát huy tác dụng. Qua đó làm thuyên giảm đáng kể những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng hết sức tâm huyết, trăn trở suy tư về những sách lược giúp đồng bào vùng lũ có thể chung sống thuận hòa, sung túc với mọi cơn lũ. Tầm nhìn chiến lược và sự sâu sát thông hiểu tính đặc thù thực tiễn mỗi vùng, miền là cơ sở quan trọng cho các quyết sách giúp người dân làm chủ được những dòng nước lớn mênh mông; hóa giải được sự đe dọa của thiên tai để làm giàu trên vùng đất màu mỡ phì nhiêu như khu vực sông nước ĐBSCL.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ mang lại hiệu quả rất lớn. Hầu hết dân được đảm bảo tính mạng, tài sản. Chúng tôi nghĩ rằng toàn vùng ĐBSCL chương trình cụm tuyến dân cư mang lại hiệu quả rất tốt”.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất châu thổ Cửu Long, có thể nói, chú Sáu Dân đã am hiểu sâu sắc đất và người nơi này. Chính phù sa mịn màng, nắng mưa hào phóng của quê hương đã sinh ra Võ Văn Kiệt.

Trăn trở về vùng đất còn nhiều khó khăn này, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Đầu tư một đồng vào nông nghiệp ở ĐBCSL sẽ sinh lợi gấp ba so với đầu tư cho vùng nông nghiệp khác. Lấy cái lời của nơi này chia sẻ cho vùng khác là bài toán hiệu quả nhất”.

Quả thật, cho đến bây giờ, khi lương thực trở thành vấn nạn của thế giới, người ta càng thấy đầu tư cho ĐBSCL như thế còn quá ít.

Ngày mới, vùng đất chín rồng lại vào mùa vụ sản xuất, tiếp tục dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, thuỷ sản... Trong những thành công ấy có sự góp sức không nhỏ của ông Sáu Dân. Và cũng không hẹn mà gặp, năm nào đến ngày ông Sáu Dân mất, người dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên lại tổ chức lễ giỗ ông. Có lẽ, đây là cách ghi nhận, bày tỏ tình cảm chân tình nhất của đất và người vùng châu thổ thật thà, chất phát.

Với tầm nhìn chiến lược, lại quy tụ được các nhà khoa học đầu ngành, nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt đã đặt nền móng ban đầu rất bài bản cho công cuộc tái thiết và khai thác vùng ĐBSCL.

Từ sự quyết liệt trong các chỉ đạo của ông, những chương trình lớn nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng vùng đất chín rồng lần lượt ra đời. Bộ mặt của ĐBSCL thay đổi lớn. Từ thiếu ăn nay đã có gạo xuất khẩu, đời sống của nông dân được cải thiện... Tất cả có đóng góp không nhỏ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn một đoạn trong bài thơ “Thủ tướng của nhân dân” của ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang viết tặng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tháng 9/1998:

Vẫn là Thủ tướng của nhân dân!
Vẫn là anh Sáu mọi gia đình
Lồng lộng bóng soi miền sông nước
Đời nặng ân tình, đất nặng chân.

Thanh Tùng