In bài

Hiệu quả từ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
Cập nhật ngày: 07/12/2012 13:53:59

Sau 2 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về dạy nghề cho lao động nông thôn, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm có chuyển biến tích cực.


Lao động nông thôn có thu nhập ổn định sau khi được đào tạo nghề

Quyết định 1956, được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) triển khai thực hiện từ năm 2010. Tính đến tháng 6/2012, toàn tỉnh có 17 đơn vị, cơ sở tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, các Phòng LĐTB&XH huyện, thị, thành phố đều tham gia công tác quản lý nhà nước về dạy nghề; các xã, thị trấn đều có đội ngũ cán bộ chuyên trách phụ trách công tác dạy nghề.

Để thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề, Phòng LĐTB&XH các địa phương đã điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề. Qua khảo sát tại 46 xã, có 9.305 người có nhu cầu học nghề với 44 ngành nghề. Sở LĐTB&XH đã chọn mô hình sản xuất ớt cay an toàn tại xã Tân Long và mô hình đan ghế nhựa tại xã Tân Phú (huyện Thanh Bình). Hiện có 35 người tham gia mô hình trồng ớt, 20 người tham gia mô hình đan ghế nhựa, tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề có việc làm đạt 100%, một số người bên ngoài mô hình cũng tham gia để tìm việc làm, có thêm thu nhập...

Cùng với các mô hình dạy nghề, Sở LĐTB&XH, Phòng LĐTB&XH các địa phương phối hợp các hội đoàn thể thực hiện công tác tư vấn, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tham gia ký kết liên tịch về tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh, thiếu niên. Qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn của các hội đoàn thể, tỷ lệ người dân nắm thông tin về dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 đạt trên 80%. Toàn tỉnh hiện có 120 phòng học lý thuyết, trên 75 phòng thực hành đạt yêu cầu về số lượng, cơ sở vật chất theo quy định; Sở LĐTB&XH hỗ trợ cho 11 đơn vị dạy nghề gồm các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề với số tiền hơn 34 tỉ đồng.

Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh mở 634 lớp nghề nông thôn có 21.866 người tham gia học, trong đó có 211 lớp với 7.400 người lao động học nghề theo địa chỉ; các lớp nghề theo nhu cầu địa phương đề xuất có 14.466 người tham gia học. Số người tham gia nghề nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp 3.957 người, chiếm 18,09%; lĩnh vực phi nông nghiệp có 17.909 người, chiếm 81,91%.

Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, số lao động tự tạo việc làm tại các doanh nghiệp, thành lập tổ hợp tác, nhận gia công sản phẩm chiếm tỷ lệ từ 65% - 70%; số lao động tham gia chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, dịch vụ chiếm từ 20% - 25%, tập trung chủ yếu ở các nghề: công nhân xây dựng, kỹ thuật cơ khí, hàn điện, may công nghiệp, chế biến, bảo quản thủy sản, điện công nghiệp, điện lạnh, chăm sóc cây kiểng, lắp ráp máy tính, sửa chữa điện thoại...

Công tác đào tạo nghề lao động nông thôn dù còn nhiều khó khăn, nhưng bước đầu giúp lao động nông thôn có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, góp phần chuyển dịch kinh tế địa phương. Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp; gắn kết chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

C.P