In bài

Tốc độ tăng trưởng kinh tế khó đạt như kế hoạch
Cập nhật ngày: 07/06/2013 06:17:08

Theo kế hoạch đề ra trong năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12%, tuy nhiên trong cuộc họp đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, các sở, ngành báo cáo việc hoàn thành đúng kế hoạch là khó thực hiện.


Tình hình tiêu thụ lúa gạo đang gặp khó khăn

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Khúc Quang Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và địa phương còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hàng hóa nông thủy sản tiêu thụ chậm và giảm giá, đặt biệt là hàng tồn kho cao (gạo khoảng 500 ngàn tấn; cá tra khoảng 30 ngàn tấn). Theo đó, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, nhất là xuất khẩu gạo, cá tra, làm cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị trì trệ, đời sống nhân dân gặp khó khăn; dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Giá trị GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 9.337 tỷ đồng, đạt 46,5% kế hoạch năm, tăng 7,36%. Trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,98%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,83%, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 12,62%.

Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 7.080 tỷ đồng, bằng 43,33% kế hoạch năm, tăng 6,56% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 25.122 tỷ đồng, bằng 50,24% kế hoạch năm, tăng 23,12%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 412 triệu USD, tăng 2,62%. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ước tính sản lượng của vụ đông xuân và hè thu đạt 2,5 triệu tấn; thủy sản nuôi trong 6 tháng đầu năm là 200.000 tấn, chưa đạt 50% kế hoạch.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, tăng trưởng kinh tế tiếp tục sụt giảm, đạt thấp hơn so với cùng kỳ và kế hoạch; là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây, nhất là khu vực nông nghiệp đã tác động mạnh đến thu nhập, đời sống của nông dân.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, nếu muốn đạt chỉ tiêu kế hoạch năm thì nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm 2013 cần phải thực hiện thêm giá trị GDP đạt 10.734 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tối thiểu phải phấn đấu đạt thêm 16,42%. Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục đạt thêm gần 3.000 tỷ đồng, tăng 6,46%, công nghiệp-xây dựng 3.627 tỷ đồng, tăng 25,04%, thương mại-dịch vụ 4.112 tỷ đồng, tăng 17,27%. Giá trị sản xuất công nghiệp cần đạt 9.259 tỷ đồng. Sản lượng lúa 1,23 triệu tấn, sản lượng thủy sản nuôi 256 ngàn tấn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 24.878 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 405 triệu USD, nhập khẩu 393 triệu USD...

Theo dự báo của Cục Thống kê, trong tình hình khó khăn hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2013 ước đạt khoảng 8,19%/KH 12%, thấp hơn so với năm 2012 là 1,57% và thấp hơn 3,81% so với kế hoạch đề ra.

Ông Đặng Ngọc Lợi - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Đối với ngành nông nghiệp, 2 sản phẩm chủ lực là lúa và thủy sản. Theo thống kê, 2 vụ đông xuân và hè thu đạt 2,5 triệu tấn, tuy nhiên kế hoạch đến cuối năm phải cần thêm gần 1 triệu tấn sẽ khó đạt. Riêng thủy sản, 6 tháng cuối năm cần đạt thêm 250.000 tấn cũng là nhiệm vụ khó khăn. Hiện nay, với con số mà ngành đạt được chưa tới 3%, song kế hoạch phải đạt là 6,46% là không thể thực hiện được...”

Riêng ngành công thương, Ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn nhất định, do việc chế biến xuất khẩu đang gặp khó, kéo theo các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng giảm. Khâu tiêu thụ gạo cũng là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, theo ông Sa, có thể đặt niềm tin vào sản phẩm dự án của DNTN Cỏ May, sản phẩm tinh luyện dầu cám của IDI hứa hẹn sẽ có nhiều điểm nhấn trong những tháng cuối năm, góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, xúc tiến để các sản phẩm của địa phương vào các siêu thị. Song, các mặt hàng nông sản chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là khâu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh sao cho phù hợp. Các ngành cần phân tích những hạn chế, khó khăn trong thời buổi khủng hoảng để kịp thời tháo gỡ, góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, nhất là việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đối với ngành nông nghiệp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dương đề nghị cần hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học để giảm giá thành, tiếp tục hỗ trợ cho người sản xuất. Đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho người nông dân trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh những thế mạnh sẵn có, chúng ta nên khai thác thêm tiềm năng mới như kinh tế du lịch, nên đầu tư ngay từ đầu nguồn nhân lực và các công trình hậu du lịch...

KD