In bài

Tầm quan trọng của công tác tuyên giáo nhìn từ cơ sở
Cập nhật ngày: 31/07/2013 05:54:51

Hiện nay chúng ta đều xác định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác tư tưởng văn hóa trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là ở cơ sở. Mọi chủ trương, chính sách, mọi việc cần làm ở cơ sở đều phải được tuyên truyền đến dân, để dân nắm trước, tường tận để “dân biết, dân bàn”, dân tham gia thảo luận, đóng góp thật thông suốt, từ đó để thực hiện thành công.


Đồng chí Lê Minh Trung - Ủy viên Ban Thường vụ,
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Làm được điều đó chính là nhiệm vụ của công tác tuyên giáo ở địa bàn dân cư. Nhưng nếu chỉ có như vậy thì chỉ mới đề cập một chiều, các chủ trương từ “trên” xuống, còn chiều ngược lại, nắm được người dân nghĩ gì, muốn làm gì đóng góp cho cộng đồng, xã hội thì phải cần đến vế thứ hai, đó là tổ chức đảng, đảng viên ở cơ sở cần phải biết dân nghĩ gì, muốn gì trong từng thời điểm, từng nơi trong cuộc sống đang diễn biến hàng ngày. Và đây cũng chính là nội dung công tác tuyên giáo của đảng bộ cơ sở, chi bộ, đảng viên, không kém phần quan trọng.

Công việc lãnh chỉ đạo của cấp ủy đảng về lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội luôn được chú trọng, thì công tác tư tưởng phải được xác định ở vị trí thiết yếu, thiếu nó thì không thể thống nhất hành động trong nội bộ đảng viên ở từng cơ sở, không thể trở thành nòng cốt khơi dậy sức mạnh toàn dân vì không tạo được sự đồng thuận, tức là không thông suốt về tư tưởng giữa Đảng với dân.

Công tác tư tưởng không chỉ là nhiệm vụ riêng của hệ thống bộ máy làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ các cấp mà phải là nhiệm vụ của cấp ủy, mọi đảng viên, và là công việc thường xuyên hàng ngày. Điều đó cần được lưu ý ở từng đảng bộ, chi bộ cơ sở. Mỗi đảng viên phải là một tuyên truyền viên của Đảng. Tổ chức đảng ở cơ sở không thể chỉ hoạt động theo lối “hành chính”, sống cùng với dân mà vẫn quan liêu.

Công tác Đảng ở cơ sở không chỉ đơn thuần là các cuộc họp phổ biến nghị quyết mà công việc thường xuyên hơn là thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, lắng nghe, để từ đó rút ra được những kết luận chính xác, tham mưu giúp cho sự lãnh đạo của Đảng chính xác và hiệu quả. Bài học về hiệu quả của công tác vận động quần chúng đối với từng cán bộ, đảng viên trong các thời kỳ hoạt động bí mật, trong kháng chiến, những lúc phong trào gặp khó khăn là từng cán bộ, đảng viên luôn luôn tiếp cận để hiểu dân, kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, giải thích để dân hiểu, dân tin và thực hiện tốt mọi chủ trương của Đảng, đến nay vẫn còn mang đậm tính thời sự.

Phải chăng điều cốt lõi của công tác tuyên giáo ở cơ sở chính là nội dung đó. Nói “gần dân” thì ai cũng đồng tình nhưng làm cách nào để gần được dân một cách thật sự thì phải có một lòng chân thành, cái tâm và tinh thần trách nhiệm để hiểu được dân nghĩ gì, mong muốn những gì. Vì thế, công tác tuyên giáo ở cơ sở luôn sinh động như cuộc sống đa dạng đang diễn biến hàng ngày, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên giáo hiện nay đối với cơ sở, đồng chí Lê Minh Trung - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Công tác tuyên giáo phải hướng mạnh về cơ sở, mở rộng dân chủ, tăng cường thông tin có định hướng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Thực hiện định kỳ cán bộ lãnh đạo các cấp xuống cơ sở trực tiếp lắng nghe, đối thoại, trả lời được những vấn đề bức thiết mà quần chúng đặt ra. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo có phẩm chất, năng lực, trình độ, đạo đức trong sáng, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp làm việc, sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên giáo của Đảng bộ trong thời kỳ mới.

Hữu Hoàn