Trung tâm Dạy nghề Tam Nông
Nhiều nỗ lực trong công tác dạy nghề

Cập nhật ngày: 29/06/2012 08:59:52

Trung tâm Dạy nghề Tam Nông (TTDNTN) được thành lập vào giữa năm 2006 nhằm đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Có mặt bằng rộng hơn 7.000m2 và có trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nhưng do Trung tâm nằm trên địa bàn xã An Long, cách thị trấn Tràm Chim và trung tâm huyện Tam Nông gần 20 cây số, nên muốn thu hút học sinh và người lao động nông thôn đến học nghề đòi hỏi TTDNTN phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều trong công tác tổ chức hoạt động.


TTDNTN trao giấy chứng nhận nghề cho học viên
lớp đan ghế nhựa tại xã An Long

Để thu hút lao dộng đến học nghề, bên cạnh việc tăng cường phối hợp với các trường THCS và UBND các xã, thị trấn trong huyện tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, phụ huynh, người lao động, TTDNTN còn tranh thủ phối hợp, liên kết với các trường Trung cấp, Cao đẳng và Đại học ở trong và ngoài tỉnh đào tạo một số nghề dài hạn mà địa phương đang cần.

Trong công tác dạy nghề ngắn hạn, ngoài việc mở lớp giảng dạy tại Trung tâm, TTDNTN đã tranh thủ phối hợp với lãnh đạo UBND các địa phương đưa cán bộ, giáo viên và thiết bị dạy học xuống trụ sở ủy ban, trụ sở khóm, ấp hoặc tại nhà dân để tổ chức giảng dạy nhằm tạo điều kiện cho những lao động nông thôn đến học tập. Nhờ đó, học sinh và người lao động được Trung tâm đào tạo nghề ngày càng nhiều. Trên lĩnh vực đào tạo nghề dài hạn, từ năm 2007 đến nay, TTDNTN đã liên kết với các trường: Trung học Thủy sản TP.HCM, Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Cao đẳng Nghề Đồng Tháp, Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây mở 10 lớp trung cấp, cao đẳng các nghề: kế toán, chế biến thủy sản, cơ khí, xây dựng (trung bình 40 học viên/lớp). Đến nay, việc duy trì sự phối hợp với các trường này để đào tạo nghề cho lao động địa phương đang được TTDNTN thực hiện khá tốt.

Đối với lĩnh vực dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, TTDNTN rất xem trọng và được tổ chức thực hiện vượt chỉ tiêu trên giao. Hàng năm, TTDNTN đều phối hợp mở gần 20 lớp dạy nghề nông thôn. Cụ thể, trong năm 2011, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương trong huyện tổ chức mở 19 lớp dạy nghề với các nghề đan ghế nhựa; đan giỏ xách; gắn, kết hạt cườm; may công nghiệp; may dân dụng; sửa xe máy; nuôi ếch an toàn sinh học. Từ đầu năm 2012 đến nay, TTDNTN cũng đã phối hợp các địa phương mở gần 10 lớp dạy nghề nông thôn cho hơn 200 học viên, với các nghề như: may dân dụng; nuôi heo, nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học; đan giỏ xách...

Nét nổi bật của TTDNTN là công tác phối hợp các các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện để đào tạo nghề theo địa chỉ, qua đó tránh được tình trạng học viên sau khi học nghề không có việc làm và tránh lãng phí kinh phí đào tạo của Nhà nước. Điển hình, đối với nghề may công nghiệp, Trung tâm đào tạo nghề theo nhu cầu tuyển dụng của các Công ty may Phúc An, may An Long, may Xuân Hoàng..., nghề đan giỏ xách đào tạo nghề cho lao động sau khi có nghề làm việc cho cơ sở sản xuất giỏ xách trên địa bàn huyện...

Chất lượng đào tạo của TTDNTN được các doanh nghiệp đánh giá cao. Ông Nguyễn Hữu Dư - Giám đốc TTDNTN cho biết: “Qua thống kê sơ bộ của Trung tâm có hơn 70% học viên học nghề dài hạn tại đây ra trường có việc làm và làm đúng ngành nghề đào tạo. Một số được các doanh nghiệp đánh gia cao, giao làm tổ trưởng phụ trách của các bộ phận sản xuất. Đó là niềm khích lệ cho Trung tâm chúng tôi...”.

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng TTDNTN đã có cố gắng trong quá trình hoạt động để thu hút học viên và góp phần đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Trong thời gian tới, thông qua sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và các ngành liên quan là điều kiện để TTDNTN hoạt động càng hiệu quả.

PT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn