Vươn lên thoát nghèo nhờ nghề đan lọp cua

Cập nhật ngày: 03/08/2012 08:48:29

Từ 10 năm nay, công việc đan lọp cua đã trở thành nghề sản xuất của 78 hộ dân tại ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự. Theo thống kê của chính quyền địa phương, nghề đan lọp cua không chỉ giải quyết việc làm cho gần 300 lao động mà còn giúp không ít hộ dân nơi đây thoát nghèo vươn lên khá giả.


Anh Nguyễn Văn Phước - một trong những người khởi xướng nghề đan lọp cua cho biết, trước kia gia đình thuộc diện hộ nghèo, do không có đất sản xuất, sống chủ yếu là làm thuê nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Qua thời gian nhờ học được nghề đan lọp, từ đó cuộc sống gia đình khấm khá hơn. Hiện tại, gia đình anh có thu nhập khá ổn định, chỉ tính riêng năm 2011 nhờ nghề đan lọp và đặt lọp cua, gia đình thu được gần 100 triệu đồng, đảm bảo điều kiện nuôi con ăn học và được công nhận thoát nghèo.

Cả nhà 4 người phải làm luôn tay mới đủ cung cấp hàng cho thương lái. Trung bình khoảng 30 ngày, gia đình anh sản xuất được gần 300 cái lọp cua, giá dao động từ 25.000đồng - 30.000đồng/cái. Trừ chi phí, gia đình anh kiếm lời khoảng 8.000đồng - 10.000đồng/cái. Nghề đang lọp cua không khó, người làm phải tỉ mỉ mới có thể sản xuất ra chiếc lọp bền và đẹp, vì vậy đa số những người làm lọp cua đều là những người đã có tuổi hoặc chị em phụ nữ.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn No cũng thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, chủ yếu sống bằng việc làm thuê. Nhưng 3 năm nay, với nghề làm lọp cua, gia đình anh cũng đã khấm khá, đầu năm 2012 gia đình anh đã được địa phương công nhận thoát nghèo. Hiện nay, thu nhập của gia đình khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học tốt.

Hiện toàn ấp có 78 hộ sản xuất thường xuyên với khoảng 300 lao động, đã có 9 hộ dân vươn lên thoát nghèo. Có thể thấy nghề đan lọp cua ở ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh đã và đang từng bước phát triển theo hướng tích cực, ngoài việc giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của một xã vùng biên giới.

Hoàng Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn