Chương trình giáo dục phổ thông mới đề cao năng lực tự học

Cập nhật ngày: 31/08/2015 11:03:21

Ngày 28/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý toàn ngành về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT). Chương trình nhận được sự quan tâm đặc biệt của giáo viên toàn ngành với hơn 20 ý kiến đóng góp của giáo viên, cán bộ quản lý đại diện các trường trong toàn tỉnh về phân bố chương trình, thời lượng, môn học cốt lõi...


Học sinh tiếp cận với công nghệ thông tin

Chương trình GDPTTT của Bộ GD&ĐT hướng đến mục tiêu giúp học sinh (HS) phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành thói quen, phát triển hài hòa thể chất, tinh thần; có sự phân cấp rõ giáo dục Tiểu học giúp HS có kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học THCS. Cấp THCS, THPT sẽ giáo dục HS hình thành năng lực tự học, có những hiểu biết, khả năng chọn lựa nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích.

Theo chương trình mới, HS sẽ tiếp cận năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo, thẩm mỹ, thể chất, tính toán, công nghệ thông tin và truyền thông. Giáo dục phổ thông có 8 lĩnh vực giáo dục gồm: ngôn ngữ văn học, toán học, đạo đức - công dân, thể chất, nghệ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ - tin học. Mỗi năm học có 35 tuần thực học, cấp Tiểu học mỗi ngày học 2 buổi, mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tuần không quá 32 tiết; cấp THCS, THPT mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết học, mỗi tuần học không quá 28 tiết. Về chương trình học, ngoài các môn Toán, Ngữ Văn, môn Giáo dục Công dân cũng giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục các giá trị sống, phát triển cho HS những phẩm chất đạo đức, năng lực giao tiếp, trách nhiệm công dân...

Tiếp cận với những thông tin về chương trình GDPTTT, nhiều giáo viên đang giảng dạy tại các trường Tiểu học, THCS, THPT cũng đồng ý với chương trình phổ thông mới. Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự cho biết: “Chương trình giáo dục mới chuyển sang cách tiếp cận đòi hỏi HS nắm vững những kiến thức, kỹ năng cơ bản, giải quyết những tình huống trong cuộc sống, học tập. Về tên gọi mới môn học là Cuộc sống quanh ta thay cho tên cũ tự nhiên, xã hội; hoặc môn học tìm hiểu xã hội, thay cho lịch sử và địa lý. Phương pháp mới giúp HS hạn chế ghi chép kiểu máy móc...”.

Đối với môn thể chất, nghệ thuật - tiểu học, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Thanh Bình chia sẻ: “Môn thể dục mới sẽ phân luồng theo năng khiếu, giúp việc tuyển chọn đội tuyển thể thao của trường dễ dàng hơn, những cá nhân nổi bật được phát hiện sớm, huấn luyện theo môn, góp phần nâng cao chất lượng thể thao học đường...”. Đối với môn Âm nhạc, đơn vị này cũng kiến nghị cần đưa di sản âm nhạc được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” vào ngay trong chương trình giảng dạy để lưu giữ giá trị âm nhạc dân tộc...

Bên cạnh những ý kiến đồng tình chương trình mới, cũng có những ý kiến cho rằng một số môn học theo chương trình mới đòi hỏi cao. Đại diện Trường THPT Tháp Mười cho rằng: “Chủ đề tin học theo chương trình mới tương ứng với 2 mạch kiến thức xử lý, quản lý thông tin cá nhân, xã hội, chuyên sâu hơn về khoa học máy tính nhằm định hướng nghề nghiệp cho HS theo nhóm ngành. Môn tin học đòi hỏi khả năng tư duy, cơ sở vật chất (máy chiếu, máy tính, máy in). Yêu cầu này về phía trường chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện. Mặt khác, việc giảng dạy Microsoft Access khó ứng dụng được trong thực tế, nên sử dụng Excel...”.

Tham dự hội thảo là cơ hội để giáo viên, cán bộ quản lý toàn ngành đóng góp ý kiến về chương trình mới sau khi đối chiếu với chương trình cũ. Đa số các ý kiến đều đồng tình, đề cao nội dung chương trình giảng dạy được phân theo lĩnh vực. Tuy nhiên, để thích nghi với chương trình giáo dục mới, giáo viên cần tự đổi mới mình, xóa bỏ tư duy giáo viên là trung tâm của quá trình dạy học, truyền thụ kiến thức một chiều cho HS. Giáo viên hướng đến phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, đổi mới kiểm tra, đánh giá, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn