Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một nội dung đổi mới căn bản của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới

Cập nhật ngày: 16/09/2015 12:37:50

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến góp ý rộng rãi trong xã hội. Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo này là việc xem trọng và tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo (TNST) cho học sinh (HS) xuyên suốt từ lớp 1 - 12, bao gồm các nội dung bắt buộc và nội dung tự chọn được thiết kế theo 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12). Hoạt động TNST sẽ góp phần thực hiện các nhiệm vụ: giáo dục đạo đức, giá trị, niềm tin, lý tưởng, thẩm mỹ, sức khỏe, thái độ lao động, nguyên tắc hành vi, lối sống và kỹ năng sống... cho HS. Đây là điều mà chương trình GDPT hiện hành chưa thực hiện đạt được kết quả như kỳ vọng.


Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp tham gia hoạt động trải nghiệm vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Theo dự thảo này, các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ dạy học trên lớp (theo cách gọi của chương trình GDPT hiện hành) sẽ có tên là hoạt động TNST. Việc gọi tên như vậy không chỉ vì nội hàm đã thay đổi, mà quan trọng hơn là muốn nhấn mạnh đến sự thay đổi nhận thức về hoạt động này, tránh sự hiểu nhầm “hoạt động ngoài giờ” thì không quan trọng, hoặc là đơn giản hóa nội dung, mục đích của hoạt động... Trong tên gọi mới, “trải nghiệm” là một phương thức giáo dục và “sáng tạo” là một mục tiêu giáo dục.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về giáo dục, hoạt động TNST phong phú về nội dung, phương pháp và hình thức hoạt động. Đặc biệt, mỗi hoạt động phải phù hợp với mục tiêu phát triển những phẩm chất, năng lực nhất định của HS và HS được học từ trải nghiệm. Học từ trải nghiệm (hoạt động TNST) gần giống với học thông qua làm, qua thực hành, nhưng học qua thực hành là nhấn mạnh về thao tác kỹ thuật, còn học qua trải nghiệm giúp người học không những có được năng lực thực hiện, đồng thời có những trải nghiệm về cảm xúc, ý chí và nhiều trạng thái tâm lý khác. Học qua thực hành chú ý đến những quy trình, động tác, kết quả chung cho mọi người học, nhưng học qua trải nghiệm chú ý gắn với kinh nghiệm và cảm xúc cá nhân.

Hoạt động TNST gồm 4 nhóm hoạt động chính: Hoạt động tự chủ (thích ứng, tự chủ, tổ chức sự kiện, sáng tạo độc lập...); Hoạt động câu lạc bộ (hội thanh niên, văn hóa nghệ thuật, thể thao, thực tập siêng năng...); Hoạt động tình nguyện (chia sẻ quan tâm tới hàng xóm láng giềng và những người xung quanh, bảo vệ môi trường); Hoạt động định hướng (tìm hiểu thông tin về hướng phát triển tương lai, tìm hiểu bản thân...).

Với các nhóm hoạt động chính này, có thể liệt kê ra nhiều hình thức hoạt động TNST như: hình thức có tính khám phá (thực địa, thực tế, tham quan, cắm trại); hình thức sinh hoạt Đoàn - Đội; hình thức có tính triển khai (dự án và nghiên cứu khoa học, hội thảo, câu lạc bộ); hình thức có tính trình diễn (diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa); hình thức có tính cống hiến, tuân thủ (thực hành lao động việc nhà, việc trường, hoạt động xã hội - tình nguyện); hình thức có tính chất tổng hợp... Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức các hoạt động TNST theo đề xuất, nguyện vọng của HS, phù hợp với những điều kiện nhất định và linh động, đảm bảo phù hợp với đặc điểm của HS, cấp học, khối lớp, nhà trường và điều kiện xã hội của địa phương.

Trước những định hướng đổi mới về hoạt động TNST, các trường sư phạm đã và đang có sự đổi mới mạnh mẽ trong nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy đối với các ngành đào tạo sư phạm. Từ năm học 2014 - 2015, Trường Đại học Đồng Tháp áp dụng chuẩn đầu ra về công tác xã hội dành cho sinh viên các khóa từ năm 2014, nhằm góp phần rèn luyện và nâng cao tính năng động, kỹ năng giao tiếp và bản lĩnh tổ chức công việc, khả năng làm việc nhóm; đồng thời phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, tình nguyện vì cộng đồng; qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Bên cạnh đó, Trường Đại học Đồng Tháp đã chủ động gắn kết với các cơ sở giáo dục, các trường phổ thông; tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội, các cá nhân và doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở tại địa phương... để cùng cộng đồng trách nhiệm và cùng tham gia vào quá trình giáo dục; song hành với việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tương lai có năng lực tổ chức tốt của hoạt động TNST ở trường phổ thông.

Nguyễn Văn Nghiêm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn