Một số lỗi thường gặp của thí sinh và kinh nghiệm làm bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia
Cập nhật ngày: 27/04/2016 11:21:35
Để đạt kết quả tốt hơn với bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 sắp tới, theo chia sẻ của nhiều chuyên gia và giáo viên, thí sinh (TS) cần tránh những lỗi rất dễ mắc phải, nếu không chú ý. Đồng thời, TS nên quan tâm đến phương pháp làm bài và các kỹ năng hữu ích khác.
Một số lỗi thường gặp của TS là: viết sai chính tả (gần đây có nhiều lỗi viết tắt, lỗi chính tả khi viết theo cách viết không chính thức từ mạng xã hội...), dùng từ thiếu chính xác (không phù hợp với ngữ cảnh, hoặc sai ngữ nghĩa Tiếng Việt...), lỗi diễn đạt và trình bày (viết câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ; viết câu tối nghĩa, vô nghĩa; chưa xác định rõ nội dung các ý cần triển khai; lỗi bố cục và chia đoạn văn; tẩy xóa nhiều trong bài thi; diễn đạt thiếu mạch lạc...), lỗi về kiến thức (hiểu sai về nội dung ý nghĩa tác phẩm, nhầm lẫn tên tác giả - tác phẩm, hiểu sai ý nghĩa vấn đề được nêu trong văn bản...), thiếu dẫn chứng, hoặc dẫn chứng chưa phù hợp, lạc đề (hiểu sai một phần, hoặc xác định được yêu cầu đề thi)...
Trước hết, TS cần hạn chế tối đa mắc lỗi và đặc biệt là không được mắc lỗi lạc đề. Bên cạnh đó, TS cũng nên có chiến thuật làm bài hợp lý, chú ý là phân bố thời gian làm bài cho từng phần, từng câu hỏi (và phải thực hiện đúng theo kế hoạch thời gian đã chia). Hiểu biết về cấu trúc đề thi cũng là một lợi thế. Về cấu trúc đề thi, đề thi môn Ngữ văn thường gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu (3,0 điểm) có 2 đoạn văn bản, thường là một đoạn thơ và một đoạn văn xuôi (có trong sách giáo khoa hoặc ngoài sách giáo khoa). Phần Làm văn có Nghị luận xã hội (3,0 điểm) và Nghị luận văn học (4,0 điểm). Để nắm được cơ bản cấu trúc, yêu cầu của đề thi, TS có thể tham khảo đề thi và gợi ý đáp án chính thức của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để làm tốt phần Đọc hiểu, TS cần nắm kiến thức và vận dụng: đặc điểm cơ bản của thể thơ; đặc điểm của từng biện pháp nghệ thuật tu từ, nhận biết các biện pháp nghệ thuật tu từ trong văn bản, tác dụng của các biện pháp tu từ, nhất là giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ trong văn cảnh; đặc điểm phương thức biểu đạt của kiểu văn bản, nhận biết văn bản đọc hiểu được viết theo kiểu văn bản và phương thức biểu đạt nào, tác dụng của kiểu văn bản và phương thức biểu đạt đó; đặc điểm của từng phong cách ngôn ngữ, nhận biết phong cách ngôn ngữ của văn bản đọc hiểu, tác dụng của phong cách ngôn ngữ đó.
Phần Làm văn có các câu hỏi được chia thành 2 phần: Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Với Nghị luận xã hội, TS cần nắm vững các dạng đề gồm: nghị luận về một tư tưởng đạo lí; nghị luận về một hiện tượng, sự kiện trong đời sống; nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. TS cần nắm vững trình tự làm một bài văn nghị luận xã hội: giải thích vấn đề, ý kiến cần bàn luận (giải thích nghĩa thực, nghĩa nghệ thuật, nếu ý kiến, vấn đề có khi được diễn đạt một cách hình ảnh); giải thích các phương diện nội dung vấn đề bàn luận; luận bàn về vấn đề, ý kiến được đặt ra (Vấn đề, ý kiến bàn luận đúng hay sai? Đúng sai ở mức độ nào? Ý nghĩa của vấn đề, của ý kiến đúng, sai? Dẫn chứng làm sáng tỏ (dẫn chứng từ đời sống, khi cần có thể lấy dẫn chứng từ tác phẩm văn học, nhưng lưu ý: không làm bài nghị luận xã hội trở thành bài nghị luận văn học); bài học về nhận thức và hành động (nhận thức của bản thân trước vấn đề, ý kiến bàn luận đặt ra, từ nhận thức chuyển biến thành hành động của bản thân và tác động tới cộng đồng).
Với kiểu bài Nghị luận văn học, bên cạnh việc nắm kiến thức trọng tâm về nội dung, nghệ thuật, TS cần chú ý tới kết cấu, hệ thống luận điểm, trình tự lập luận, phương pháp lập luận. Từ việc nắm kiến thức trọng tâm của từng tác phẩm, TS nên mở rộng so sánh, tổng hợp theo các chủ đề, các vấn đề. Phần mở bài: khái quát về tác giả (vị trí, đóng góp của tác giả); khái quát về tác phẩm (vị trí tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác (nếu hoàn cảnh sáng tác thật sự có ý nghĩa để hiểu sâu thêm tác phẩm), giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật); khái quát vấn đề cần bàn luận. Phần thân bài: các ý trình bày khái quát thành luận điểm, luận cứ, phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ. Các luận điểm nên trình bày theo hướng Tổng - Phân - Hợp (khái quát các nội dung trình bày bằng câu chủ đề, phân tích và chứng minh các nội dung theo trình tự đã khái quát ở câu chủ đề, kết luận chung lại sau khi đã phân tích). Phần kết luận: khái quát lại ngắn gọn những vấn đề đã trình bày, liên hệ mở rộng, nâng cao vấn đề bàn luận.
DIỆU ANH (Tổng hợp)