Nên hay không cho trẻ học trước chương trình lớp 1?

Cập nhật ngày: 11/04/2016 12:39:31

Sợ con khi vào học lớp 1 sẽ thua kém bạn bè, một số phụ huynh (PH) đã chủ động tìm giáo viên (GV) dạy cho con học trước chương trình; nhiều em đang học mẫu giáo nhưng đã rành rẽ chứ cái, ghép vần, làm toán. Sự thông thạo của các em, sự quan tâm quá mức của PH có thực sự mang lại lợi ích cho các em? Chúng tôi đi tìm lời giải cho vấn đề này.

Tâm lý sợ con thua thiệt

Khi có con đang học mẫu giáo, đa số PH mang tâm trạng sợ con khi vào học lớp 1 nhưng chưa biết đọc, biết viết nên chủ động tìm thầy, cô gửi cho con học vào các buổi chiều, hoặc học thêm vào thứ Bảy, Chủ nhật. Chị Phan Thị Ngọc C. ngụ tại phường 4, TP.Cao Lãnh cho biết: “Con tôi đang học trường Hồng Gấm. Chuẩn bị vào lớp 1, nhưng thấy con không lanh lợi như các bạn ở trong xóm, tôi rất lo lắng khi vô học sẽ thua bạn nên đưa con đi học thêm vào mỗi buổi chiều để khi con vào lớp 1 sẽ học tốt...”. Chị Trương Thị M. A. ngụ phường 1, TP.Cao Lãnh tâm sự: “Con tôi học trường Anh Đào, sắp vào lớp 1. Lo cháu viết chữ không đẹp nên cũng đăng ký cho cháu học thêm vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Tôi thấy nhiều người đưa con đi học trước nên cũng đưa cháu đi học theo...”.

Biết PH sẽ lo lắng, một số GV có cơ sở dạy thêm chủ động vào trường mẫu giáo, hoặc gặp PH trước cổng trường để giới thiệu nhận học sinh (HS). Chị Nguyễn Hoàng Ánh ngụ đường Nguyễn Trãi, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Tôi thấy có GV vào tận trường, phát tờ giấy giới thiệu dạy kèm nên đăng ký cho con đi học. Cô kêu tôi mua tập, viết để cô tập cho cháu viết trước. Những em nào học tốt sẽ được thưởng quà. Tôi thấy chủ yếu cô dạy đọc, còn viết thì chỉ nhắc nhở các em thôi, chứ không chỉ dẫn nhiều, vì trong lớp khá đông HS...”.

Từ tâm lý sợ con thua thiệt, nhiều PH chủ động tìm GV gửi con học trước. Có người nhờ người quen chỉ giúp, có người được bạn bè giới thiệu, hoặc xem thông báo quảng cáo mà tìm nơi gửi con theo học. Chính vì ai cũng gửi con nên một số PH vốn dĩ không lo, cũng bắt đầu lo lắng vì sợ con học không bằng các bạn. Chị Nguyễn Thị Hồng ngụ khóm 1, thị trấn Mỹ An (Tháp Mười) cho biết: “Cho con học trước, tôi nghĩ con tôi rất mệt đầu óc. Nhưng giờ ai cũng cho con đi học trước nên tôi cũng phải làm theo...”. Với mức phí từ 200.000 - 280.000 đồng/tháng, nhiều GV thu hút rất đông HS theo học. Khi vào lớp, cô giáo yêu cầu PH mua tập, sách, cô giáo hướng dẫn đọc, viết, mỗi buổi 2 giờ. Do nhu cầu PH đông nên lớp học thường vượt so với dự kiến ban đầu. Thực tế một số lớp học theo dạng này, chúng tôi nhận thấy đa số GV hướng dẫn các cháu kỹ năng đọc, viết do số lượng cháu tham gia học tập khá đông, thời gian học tập ngắn nên cô không thể quan tâm đến từng cháu. Nhiều em do đã học trước đó nên khi vào học, đọc chữ thuần thục. Những cháu này, cô giáo thường ít quan tâm, chỉ quan tâm nhiều đến những cháu còn yếu theo gửi gắm của PH.

Nên hay không cho trẻ học trước?

Cô Bùi Thị Hồng Châu - GV Trường Tiểu học Chu Văn An, TP.Cao Lãnh, người có 28 năm kinh nghiệm giảng dạy học sinh lớp 1 chia sẻ: “Hiện nay, đa số PH sợ con vào lớp 1 sẽ thua kém bạn bè nên chọn giải pháp cho con học trước chương trình lớp 1. Tuy nhiên, việc học trước sẽ làm cho trẻ có tư tưởng ỷ lại, vào lớp dễ chán, thiếu tập trung. Riêng những em chưa biết gì thấy bạn mình biết đọc, biết viết sẽ mang tâm lí lo sợ, không học tập được, gây khó khăn cho GV trong giảng dạy. Với góc độ là GV giảng dạy học sinh lớp 1 nhiều năm, tôi khuyến cáo PH không nên cho con học trước chương trình mà chỉ nên rèn luyện cho trẻ các kỹ năng như biết cầm bút, giơ bảng, làm quen chữ cái, số, tư thế ngồi học đúng... để các em có thể hình dung ra môi trường lớp 1 mà mình sắp học tập, để khi vào lớp 1 sẽ tiếp thu nhanh và học tốt hơn”.

Trong chương trình giáo dục mẫu giáo, mầm non chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các em được rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Những kỹ năng này giúp các em kết hợp việc học và chơi hài hòa, không phải áp lực nhiều khi học tập; các em được hướng dẫn kỹ năng cầm viết, tô màu chữ viết, không chú trọng nhiều vào chương trình lớp 1. Khi sang cấp Tiểu học, các GV sẽ hướng dẫn các em thực hiện các bài học theo yêu cầu của chương trình. Ngoài ra, một số trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt chủ đề, tham quan các trường tiểu học, tiếp cận với nơi học mới, làm quen với GV... Những kỹ năng mềm này, giúp trẻ phát triển toàn diện, không phải gặp nhiều áp lực.

Cô Phan Thị Thu Hà - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: “Việc học trước chương trình thường diễn ra tại các thành phố, thị xã, thị trấn, nơi PH có điều kiện kinh tế tốt, quan tâm việc học tập của con em. Thực tế, việc này thường diễn ra ở các điểm giữ trẻ tư thục, GV muốn có thu nhập nên dạy thêm cho các em. Nếu như ở các trường mẫu giáo, HS được vui chơi, vừa chơi vừa học thì những điểm giữ rẻ tư thục, điểm dạy thêm học thêm HS miệt mài tập đọc, tập viết theo yêu cầu, do PH sợ con em mình khi vào học chính thức sẽ không học bằng các bạn khác. Đây là vấn đề mà năm học nào cũng diễn ra, dù trước đó chúng tôi đã vận động, tuyên truyền PH không nên quá nôn nóng cho trẻ học trước chương trình...”. Ngoài ra, một số nơi, PH quá lo lắng nên những năm cuối bậc mẫu giáo, các em được cha mẹ gửi sang học chương trình lớp 1. Điều này ảnh hưởng đến việc duy trì sỉ số HS đối với ngành học này.

 Quản lý thực trạng này, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Phòng GD&ĐT, kiểm tra thường xuyên, nhắc nhở GV không được dạy trước chương trình. Đồng thời, Sở GD&ĐT mong muốn PH không nên thuê GV, nhờ người giảng dạy con trước chương trình. Một số GV lâu năm chia sẻ rằng, các em học trước chương trình vào lớp 1 thông thường chỉ giỏi ở học kỳ 1, sang học kỳ 2 sẽ chững lại, không còn học tốt như những em chưa được học trước. Ngoài ra, những HS vốn dĩ học tốt sẽ ít nhận được sự quan tâm từ GV, do GV thường dành thời gian cho những em học trung bình, yếu, kém. Đây cũng là điều hạn chế trong việc uốn nắn, sửa các khiếm khuyết của các em trong quá trình đọc, viết...

Việc học tập trước chương trình dù đã có quy định chặt chẽ, nhưng vẫn lén lút diễn ra. Để từng bước thay đổi thói quen này PH cần hướng dẫn các em các kỹ năng vừa học, vừa chơi; dạy các em kỹ năng nhận biết, diễn đạt, thay vì chỉ chăm chú vào việc luyện đọc, luyện viết như hiện nay. Nếu quá chú trọng vào kỹ năng đọc, viết, các em sẽ khiếm khuyết những kỹ năng khác, sẽ bị thiệt thòi. PH không nên quá lo lắng, bởi hiện nay chương trình giáo dục mầm non, mẫu giáo đã hội đủ điều kiện cần thiết để các em vào học lớp 1. Mặt khác, các em cũng cần có tuổi thơ với những giờ phút vui chơi, học mà chơi chơi mà học theo đúng độ tuổi. Không nên quá gò ép, áp lực với các em vào chuyện phải luôn luôn giỏi, luôn luôn dẫn đầu. Nếu PH nào cũng chăm chăm cho con đi học trước, thì trong một lớp học, các em đều đã biết những điều đang học, dẫn đến việc các em chán nản, không còn cảm giác ham thích đến trường.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn