Quan tâm bồi dưỡng học sinh yếu kém
Cập nhật ngày: 23/09/2015 13:04:13
Học sinh (HS) có học lực yếu, kém là nỗi lo đối với nhiều giáo viên (GV), Ban giám hiệu trường và phụ huynh. Do vậy, vấn đề bồi dưỡng, giúp đỡ HS yếu kém được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường đặc biệt quan tâm.
Học sinh Trường THPT Lấp Vò II hướng dẫn, hỗ trợ nhau học tốt (ảnh tư liệu)
Sở GD&ĐT phối hợp với Công đoàn ngành giáo dục thực hiện kế hoạch bồi dưỡng HS yếu, kém ở mỗi năm học, đặc biệt xác định vai trò của GV, công đoàn viên quyết định kết quả việc bồi dưỡng HS, đồng thời động viên, khuyến khích, tạo động lực cho HS yếu có niềm tin trong học tập, tiếp thu tốt những kiến thức đã học; giao GV chủ nhiệm, GV bộ môn có trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ HS về phương pháp học tích cực để các em có tiến bộ hơn.
Theo kế hoạch, Ban giám hiệu trường, GV chủ nhiệm, GV bộ môn phân tích kết quả kiểm tra đầu năm, kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm học kỳ và cả năm nhằm rà soát, phát hiện các trường hợp HS có học lực yếu kém; phân tích mức độ yếu kém, nguyên nhân yếu kém để xác định trách nhiệm của nhà trường, cha mẹ HS, GV trong việc tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo, giúp HS học tập tốt; phối hợp chặt chẽ với đoàn thể, địa phương để giúp đỡ, hỗ trợ học bổng, phương tiện đi lại, điều kiện học tập, miễn giảm các khoản đóng góp...
Tham gia chương trình do Sở GD&ĐT, Công đoàn ngành phát động, các trường đã thành lập mô hình thực tế tại trường, phát huy hiệu quả, giảm thiểu đáng kể tình trạng HS có học lực yếu kém. Trường THPT Châu Thành 2 có mô hình chọn lọc HS yếu kém, kết hợp với phụ huynh HS bồi dưỡng cho các em tại trường vào buổi tối (áp dụng cho HS khối 12); GV tự bồi dưỡng cho HS trái buổi (thông qua tiết học chính khóa, GV xác định HS hỏng kiến thức sẽ yêu cầu các em đến trường để bồi dưỡng thêm). Trường THPT Châu Thành 1 phân công HS khá, giỏi giúp đỡ HS yếu, kém truy bài, hướng dẫn cách giải bài tập, cách học bài nhớ lâu, không nhầm lẫn kiến thức. Trường Chuyên Nguyễn Đình Chiểu thực hiện mô hình “Ba chung” gồm chung sức, chung trách nhiệm, chung tỉ lệ, nhờ đó mà kết quả bồi dưỡng HS yếu đạt hiệu quả. Trường THCS-THPT Nguyễn Văn Khải thực hiện mô hình “Đôi bạn cùng tiến”, tổ chức cho HS học nhóm. Trường THPT Đỗ Công Tường quan tâm, động viên, khuyến khích HS yếu kém; nội dung dạy của GV vừa sức với trình độ HS và phát huy các nguồn lực trong và ngoài nhà trường. Trường THPT Long Khánh A thực hiện mô hình “Kèm cặp” và “Đồng hành”. Trường THPT Mỹ Quý cộng điểm thi đua khen thưởng cho GV tham gia bồi dưỡng HS yếu kém vào cuối năm. Trường THPT Thanh Bình 2 khen thưởng kịp thời GV có thành tích bồi dưỡng HS yếu kém nhằm khích lệ tinh thần...
Nhờ sự quan tâm của ngành GD&ĐT, hoạt động bồi dưỡng HS yếu kém phát huy hiệu quả, tỷ lệ HS yếu, kém giảm từng năm. Năm học 2014-2015, tỷ lệ HS khối lớp 6 học lực yếu (học kỳ 1) chiếm 10,2%, kém chiếm 0,67%, đến cuối năm học HS học yếu lớp 6 giảm còn 4,27%, kém giảm 0,41%; các khối lớp 7,8,9 HS yếu dao động từ 6 - 8% (học kỳ I), giảm còn 0,37 - 3% (cuối năm học), HS kém chiếm 0,2 - 0,6% (học kỳ I) giảm còn 0,03 - 0,19% (cuối năm học).
Bên cạnh những thuận lợi, việc bồi dưỡng HS yếu kém vẫn còn gặp một số khó khăn do phụ huynh chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc học của con em, còn giao khoán cho nhà trường; công tác quản lý việc dạy bồi dưỡng HS yếu chưa chặt chẽ, HS đi học còn vắng nhiều do lười học, do mặc cảm với bạn bè; một số nơi cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho việc bồi dưỡng HS (do thiếu phòng học) nên GV gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian tự bồi dưỡng HS lớp mình phụ trách; ý thức học tập của một số HS chưa cao, động cơ học tập chưa đúng, do một số HS mất kiến thức căn bản, nhà xa trường nên khó tập trung học bồi dưỡng; công tác theo dõi sự tiến bộ của HS yếu kém ở vài đơn vị chưa được quan tâm thường xuyên, còn thực hiện qua loa;...
Thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ HS yếu, kém, công tác bồi dưỡng HS yếu kém tiếp tục được Sở GD&ĐT xem là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời nhân rộng những mô hình mới, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học.
C.Phương