Bóng đá trẻ Việt Nam: Vì sao khan hiếm tài năng?

Cập nhật ngày: 17/08/2019 05:57:08

Màn trình diễn của U18 Việt Nam tại giải Đông Nam Á có thể xem là nỗi thất vọng lớn, nhưng đó là kết cục không thể tránh khỏi.


Cầu thủ Việt Nam (đỏ) tranh chấp bóng trong thất bại 1-2 bất ngờ ở lượt cuối cùng bảng B giải U18 Đông Nam Á trên sân Thống Nhất (TP HCM) hôm qua. Ảnh: Đức Đồng

Thua Campuchia là kết quả không thể chấp nhận nếu nhìn ở tương quan hai nền bóng đá, nhưng ở bóng đá trẻ thì rất khó nói. Ngay tại giải này, Thái Lan cũng  thua Campuchia. Cũng ít ai phân tích về sự phát triển của bóng đá Campuchia. Đây là lứa cầu thủ của đội U16 từng vào bán kết thua Việt Nam 0-1 ở giải U16 Đông Nam Á 2016.

Trong khi đó, ngoài màn trình diễn để đời của U19 Việt Nam tại giải năm 2014, 5 năm trở lại đây thành tích của đội bóng trẻ do HLV Hoàng Anh Tuấn ở giải U19 Đông Nam Á không tốt. Chung kết 2015, đội bóng của ông thua thảm Thái Lan 0-6 dù đó chính là đội tuyển một năm sau vào bán kết U19 châu Á và giành vé dự U20 World Cup. Đến năm 2016, U19 Việt Nam thua đậm U19 Australia với tỷ số 2-5 ở bán kết. Tính luôn lần này, ba năm gần đây, Việt Nam đều bị loại ngay vòng bảng.

Rất khó để lấy kết quả của một giải bóng đá trẻ để phán định tương lai của chính các cầu thủ đó. Lứa U19 của Công Phượng, Xuân Trường... từng thua Indonesia trong chung kết năm 2013, sau đó thua trắng ba trận ở U19 châu Á, nhưng họ vẫn trưởng thành. Hoặc dàn cầu thủ thất bại thảm hại trước Thái Lan hay Australia của những năm 2015, 2016 hiện tại là trụ cột của đội tuyển quốc gia lẫn U23. Tuy nhiên, đúng như HLV Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, sẽ khó mà tìm ra một thế hệ tài năng tương tự lúc này. Việc chỉ trích, phê phán vì vậy là thiếu công bằng.

Nhưng câu hỏi là tại sao như thế?

Đầu tiên là nguồn cầu thủ. Khóa một của Học viện HAGL Arsenal – JMG tuyển sinh cả nước vào mùa hè 2007, dành cho các em ở độ tuổi 11-13 và cũng chỉ 17 em đạt tiêu chuẩn. Lứa cầu thủ "vàng" của bầu Đức có gốc gác ở các tỉnh phía Bắc, khi đó chưa nở rộ phong trào tuyển sinh bóng đá theo bề rộng. Thế nhưng, đến năm 2008, PVF ra đời cũng tuyển sinh toàn quốc, rồi VST của anh em cựu danh thủ Văn Sỹ Thủy đóng quân ở Hà Tĩnh cũng rầm rộ chiêu sinh các khu vực phía Bắc vì không cạnh tranh được với trung tâm đào tạo bóng đá của SLNA. Đến 2010, sự xuất hiện của Hà Nội T&T đã làm thay đổi mọi thứ. Họ không trực tiếp đào tạo nhưng lại có hệ thống các tuyến trẻ được đầu tư lớn. Các cầu thủ từ 15 tuổi trở lên của Hà Nội và các tỉnh lân cận sẽ được tuyển chọn vào những đội trẻ, vừa đào tạo vừa thi đấu theo từng lứa tuổi chứ không đợi năm hay bảy năm mới "ra trường" như những lò khác.

Nghĩa là trong cùng một khoảng thời gian, từ 2007 đến 2010, những gì tốt nhất đã được sàng lọc theo kiểu "thà tuyển lầm chứ không bỏ sót". Vì đó là giai đoạn đầu của các lò đào tạo tư nhân, nên công tác tuyển sinh cũng được đầu tư mạnh, không bị đánh giá hiệu quả kinh tế như bây giờ. Có thể hình dung, giống như việc "đãi cát tìm vàng" ngay tại đầu nguồn, nên cũng dễ tập hợp được tinh hoa. 

Nhưng vì vậy, "tài nguyên" cũng cạn kiệt dần. Nếu khóa một của HAGL có Xuân Trường tận Tuyên Quang, Tuấn Anh ở Thái Bình, Anh Việt ở Hải Phòng, Đông Triều quê Quảng Nam, còn Công Phượng ở Nghệ An, thì các khóa sau của HAGL bắt đầu thu hẹp nguồn tuyển sinh, chỉ từ Quảng Ngãi đổ vào và cũng tăng dần độ tuổi đầu vào từ 11 lên 13 rồi 15 vì thiếu nguồn. Đầu vào kém thì cũng khó có đầu ra chất lượng. Các khóa 3 và 4 của HAGL hiện nay chưa đủ sức làm trụ cột ở U19 Việt Nam. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của lứa tốt nhất (khóa một) không cao nên việc tuyển sinh của HAGL cũng giảm qui mô.

Nhưng chất lượng con người chỉ là một phần nhỏ, khó khăn lớn nhất vẫn là "đầu ra". Theo thống kê của VnExpress, 70% tuyển thủ của đội U19 Việt Nam dự vòng chung kết U19 châu Á 2014 thì một năm sau đã được đưa lên đá tại V-League 2015, đặc biệt là việc bầu Đức đưa nguyên khóa một của học viện lên đội một. Đội U19 giành vé dự U20 World Cup hồi năm 2016 cũng có tỷ lệ  xuất hiện tương tự ở V-League 2018. Rất nhiều cầu thủ đá chính ở đội một.  Điều này có nghĩa, lứa cầu thủ đầu tiên của giai đoạn bùng nổ đào tạo trẻ (2007-2010) đều có "đất diễn" từ sớm. Vì vậy, họ cũng bước chân lên tuyển quốc gia nhanh hơn.

Nhưng tỷ lệ các cầu thủ của U19 Việt Nam từng dự giải châu Á 2018 hiện có mặt ở sân chơi V-League 2019 chỉ vào khoảng 10%. Và cũng chỉ khoảng 27% trong số đó được gọi lên dự tuyển U22 hiện nay, chủ yếu là các cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - vốn có nguồn gốc từ đội B của CLB Hà Nội, hiện tại ở giải hạng Nhất. Về nguyên tắc, đến 18-19 tuổi là phải thi đấu chuyên nghiệp nhưng vấn đề rất lớn của bóng đá Việt Nam hiện nay là không có nhiều sân chơi cho cầu thủ trẻ. Mỗi năm chỉ có khoảng chục trận đấu ở giải U19 và U21 quốc gia. Trong khi đó, chỉ khoảng bảy CLB tại V-League hiện nay là có hệ thống ba tuyến trẻ (U17, U19, U21) theo qui định. Rất khó để một cầu thủ trẻ ra sân đá tại V-League nếu lãnh đạo CLB không dũng cảm "trẻ hóa", giải hạng Nhất thì chất lượng chuyên môn không cao. Ngay như U22 mà HLV Park Hang-seo còn phải than thở, đưa ra kế hoạch tập trung đến bảy đợt nhằm giúp các cầu thủ có cảm giác bóng thường xuyên, thì tầm U19 càng không có cơ hội để thi đấu nhiều.

Chỉ khi nào hệ thống thi đấu dành cho U19 hoặc U21 được vận hành song song với V-League, chỉ khi nào V-League được tôn trọng và trả về đúng vai trò của nó, thay vì dồn hết mọi đầu tư và ưu tiên cho đội tuyển quốc gia, thì mới khuyến khích được các đội bóng phát triển các tuyến trẻ như Hà Nội, hoặc các lò đào tạo mạnh dạn chi tiền cho công tác tuyển sinh. Nếu không, bóng đá Việt Nam đành đợi sự may mắn, theo kiểu chu kỳ 10 năm xuất hiện một lứa cầu thủ "trời sinh" như từng có ở các giai đoạn 1995-2005-2015.

Song Việt (VNE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn