LaNa, dấu ấn từ Grand Slam đầu tiên

Cập nhật ngày: 02/05/2014 05:00:00

Li Na biết chính xác những gì cần làm khi bước vào sân Rod Laver Arena chơi trận chung kết. Cô sải nhanh bước ra khỏi đường hầm, đến bên cô bé cầm bó hoa đợi sẵn để nhận, vẫy chào khán giả trước khi tiến đến ghế ngồi.

Đã có mặt ở hai trận chung kết trước đó, Li quen thuộc với không khí phấn khích ở trên các khán đài trong trận đấu kiểu này. Nhưng Li không có nhiều thời gian để chú ý đến những thứ xung quanh, cô có việc để làm. Các bạn Úc của cô nói rằng “bất quá tam” nhưng cô không chắc điều đó lắm.

“Ở Trung Quốc”, Li đùa, “6 hay 8 mới là số may mắn, chứ không phải 3”. Tất nhiên, cô chẳng muốn thua 5 trận chung kết trước khi vận may đến. Hai trận chung kết trước, Li thua Kim Clijsters năm 2011 và thua Victoria Azarenka năm 2013 sau khi thắng trước set đầu. Li tập trung nhưng bắt đầu trận đấu khá chậm. May thay là đối thủ Dominika Cibulkova cũng mới chơi trận chung kết Grand Slam đầu tiên nên rất căng thẳng. Li sớm dẫn trước 2-0. Domi cứu được 2 điểm break-point để gỡ 1-2. Rồi Li dẫn 3-1 và căng thẳng khiến Li thua 3 game liên tiếp.

“Tôi chẳng thể hiện được gì. Tôi quá hồi hộp lúc đó”, Li thừa nhận. Ở 3 trận chung kết Grand Slam trước đó, Li đều bị đánh giá là cửa dưới, lần này, cô ở cửa trên vì hơn đối thủ 20 bậc trên bảng xếp hạng. “Đây là một trải nghiệm mới với Li Na, một điều khó khăn với cô ấy. Cô ấy ở một vị trí tâm lý mới, một cách tiếp cận trận đấu mới”, Carlos Rodriguez, HLV của Li cắt nghĩa. Khi tỉ số set đầu được đưa lên 4-4 thì tỉ lệ giao bóng 1 thành công của Li rớt thảm hại, chỉ còn 28%. Cú forehand tin cậy của Li rung lắc dữ dội. Giao bóng khi tỉ số là 4-5, Li mắc 15 lỗi tự đánh bóng hỏng từ cú đánh forehand. Bẻ được game cầm bóng của đối thủ, Li dẫn 6-5 nhưng lại để Domi san bằng tỉ số 6-6.

Nhưng bản lĩnh của tay vợt 32 tuổi đã lên tiếng đúng lúc, trong loạt tie-break. Những cú đánh tin cậy trở lại, trạng thái căng thẳng tan biến, Li chơi đúng đẳng cấp của mình. Tiếp sau loạt tie-break chiến thắng, cô hạ Domi 6-0 trong set thứ 2. Mất 70 phút để chơi set đầu và có 27 phút để chơi set 2. 34 cú winner so với 11 của đối thủ. Ở set 2, Li giao bóng 1 đạt 78% và thắng 71% điểm giao bóng 1, chỉ thua 6 điểm khi cầm giao bóng.

“Domi” Cibulkova có một loạt trận tuyệt vời, hạ 4 tay vợt trong Top 20: Carla Suarez Navarro (16), Maria Sharapova (3), Simona Halep (11) và Agnieszka Radwanska (5). Nhưng giải đấu thuộc về Li Na. Các đối thủ mạnh trong nhánh của Li đều bị loại: Serena Williams (1), Petra Kvitova (6), Angelique Kerber (9), Ana Ivanovic (14), Sabine Lisicki (15). Trong khi Azarenka và Sharapova cũng chẳng “sống sót” trước khi gặp Li. Trên đường đến chung kết, Li không phải gặp các tay vợt trong Top 20: Ana Konjuh (241), Belinda Bencic (187), Lucie Safarova (26), Flavia Pennetta (29), Eugenie Bouchard (31) và Dominika Cibulkova (24).

Con đường của Li Na có vẻ thuận lợi như Marion Bartoli tại Wimbledon 2013. Nhưng khác với Bartoli là chiến thắng của Li không hề gây sốc. Thực tế, “Aussie Li Na” (cô Li người Úc) với các giải đấu tuyệt vời ở Melbourne những năm trước (nhưng không gặp may) đã được rất nhiều khán giả chờ đợi ngày cô đăng quang ngôi cao nhất ở đây.

“Aussie Li Na” cũng được người Úc (và cả cánh phóng viên cùng đồng nghiệp) yêu mến vì sự hài hước mọi nơi mọi lúc của cô. Các tay vợt khi đăng quang đều có công thức: cám ơn, khóc, nói lời sáo rỗng, và lặp lại. Li thì khác. Cô cám ơn người đại diện Max Eisenbud vì “đã giúp tôi làm giàu”. Cô cám ơn chồng mình Jiang “Dennis” Shan: “Chồng tôi, người đánh bóng tập với tôi, mang nước, mang vợt cho tôi. Cám ơn nhiều. Giờ anh nổi tiếng khắp Trung Quốc rồi. Anh đúng là một người tử tế. Và anh cũng thật may mắn khi tìm được tôi”.

Bà Stacey Allaster, chủ tịch WTA từng nói Li là tay vợt quan trọng nhất trong thập kỷ này bởi không ai có thể giúp làng tennis nữ tiếp cận thị trường Trung Quốc nhanh hơn Li. Nhưng với tính cách dí dỏm này (tất nhiên là với cả tài năng nữa), Li còn giúp tennis nữ chiếm được cảm tình ở các thị trường khác nữa. Người có công lớn nhất trong thành công của Li là Rodriguez, HLV người Argentina từng đưa Justine Henin lên đỉnh cao. Làm việc với nhau từ giữa năm 2012, Rodriguez giúp Li cải thiện cú forehand và giao bóng 2, đưa bóng đi xoáy và sâu hơn, khuyến khích cô lên lưới bắt volley nhiều hơn và vận dụng nhiều hình thái chiến thuật hơn là chỉ tạt bóng từ cuối sân.

“Cô ấy lắng nghe, chia sẻ. Ở tuổi ngoài 30, với một người từng vô địch Grand Slam như cô ấy, việc tiếp tục học để cải thiện là điều đáng quý nhất”, Rodriguez nói. Là một HLV giàu kinh nghiệm, Rodriguez thừa những chiêu tâm lý để vực tinh thần Li dậy trong lúc khó khăn nhất. Đó là giữa mùa giải năm ngoái. Li thua Madison Keys trận đầu ở Madrid, thua Jelena Jankovic trận thứ hai ở Rome, thua Bethanie Mattek Sands trận thứ hai ở Roland Garros. Rồi thua Alize Cornet là Elena Vesnina trong những trận đầu tiên ở hai giải sân cỏ khởi động cho Wimbledon.

Sau trận thua Vesnina, trên chuyến xe hơi 2 giờ rưỡi đồng hồ từ Eastbourne lái đến Wimbledon, Li nói: “Carlos, tôi muốn từ giã sự nghiệp”. Rodriguez trả lời: “OK, thế thì ta về nhà vậy”. Li không ngờ Rodriguez phản ứng thế, mà chỉ nghĩ rằng Rodriguez sẽ khuyên cô: “Đừng, đừng làm vậy”. Rodriguez động viên Li nói hết những điều trong lòng ra, rồi cuối cùng Li đề xuất: “OK, ta thử xem lần cuối ở Wimbledon vậy. Nếu mọi chuyện diễn biến tốt, ta tiếp tục. Không thì thôi vậy”. Rodriguez trả lời: “Vậy thì thử thêm một giải nữa”. Giải đó, Li lọt vào tứ kết và chuyện giải nghệ không còn được đề cập đến nữa. 6 tháng sau đó là những tháng Li thi đấu ổn định nhất trong sự nghiệp.

Cách đây gần 3 năm, khi vô địch Roland Garros, Li nói “tuổi tác chỉ là lý thuyết”. Tại Melbourne năm nay, cô nói “tuổi tác chẳng là gì hết”. Cô là tay vợt nữ ngoài tuổi 30 thứ hai vô địch đơn nữ Australian Open sau Margaret Court (vô địch năm 1973 ở tuổi 30). Li Na giàu. Cô là nhà vô địch Grand Slam. Chồng cô may mắn có cô. Cô nhạo báng mẹ thời gian. Và có lẽ cô biến con số 3 thành con số may mắn ở Trung Quốc.

Nguồn: Thể Thao Việt Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn