Đồng Tháp

Cải tiến lề lối làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Cập nhật ngày: 31/07/2013 05:06:54

Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2013 với chủ đề “Cải tiến lề lối làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công”.

Trong 6 tháng đầu năm, Đồng Tháp được đánh giá là một trong các tỉnh, thành thực hiện tốt công tác CCHC. Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC và hầu hết các ngành, các cấp đều có kế hoạch CCHC phù hợp với nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tế của cơ quan, địa phương.


Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cuộc họp

UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC như chỉ thị về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư giữ vững và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 - 2020; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính nhà nước; tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; cải tiến lề lối làm việc; chấn chỉnh công tác ban hành quyết định hành chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao...

Thực hiện các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC năm 2013; Kế hoạch truyền thông hỗ trợ công tác kiểm soát TTHC năm 2013; công bố TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương.

Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được kiện toàn, qua công tác kiểm tra CCHC 6 tháng đầu năm 2013 đã phát hiện và khắc phục các hạn chế, tồn tại. UBND tỉnh đã quyết định công bố các TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với lĩnh vực khoa học - công nghệ; tư pháp; y tế để áp dụng thống nhất trong tỉnh. Đến nay, Đồng Tháp có 6 địa phương thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại gồm các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tháp Mười, Lấp Vò và TX Sa Đéc, TP Cao Lãnh.

Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của tỉnh tiếp tục được kiện toàn. Nhằm tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo góp ý Đề án thi tuyển vị trí lãnh đạo quản lý trên địa bàn tỉnh và phối hợp với HĐND tỉnh tổ chức Hội thảo và tham vấn về Đề án nâng cao năng lực cán bộ, công chức chính quyền xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Hiện tỉnh đang hoàn chỉnh các dự thảo Đề án, xin ý kiến của các cơ quan có liên quan để ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh vẫn còn một số cơ quan, địa phương chậm xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai nhiệm vụ CCHC; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời chỉ đạo và theo dõi sát việc thực hiện nhiệm vụ CCHC của cơ quan, đơn vị... làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện chung. Bên cạnh đó, kế hoạch CCHC ở cấp xã chưa đưa ra được sản phẩm cụ thể thực hiện nhiệm vụ, chưa sát với tình hình thực tế địa phương, việc ban hành kế hoạch mang tính hình thức dẫn đến công tác thực hiện chưa tốt. Trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế, hiểu biết về CCHC còn hạn hẹp, kiến thức về văn bản quản lý hành chính nhà nước chưa sâu.

Ngoài ra, người đứng đầu địa phương chưa sâu sát trong chỉ đạo thực hiện CCHC, chưa am hiểu về nghiệp vụ hành chính, còn nhầm lẫn trong thẩm quyền ký, ban hành văn bản hoặc giải quyết các TTHC của cấp xã. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tuy đã thực hiện nhiều năm qua nhưng công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người dân còn chưa đúng quy trình, trình tự thực hiện; chậm cập nhật các văn bản mới...

Thời gian tới, để thực hiện công tác CCHC ngày càng tốt hơn, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng vị trí việc làm đối với công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hoàn thiện và mở rộng mô hình một cửa, một cửa liên thông điện tử ở cấp huyện; đồng thời hệ thống lại các quy định pháp luật về TTHC và xây dựng quy trình giải quyết công việc theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông để thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tiến hành điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực đất đai, tư pháp, xây dựng; hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án án nâng cao năng lực cán bộ, công chức chính quyền xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020; kiểm tra việc thực hiện công tác CCHC quý III, quý IV tại các sở, ngành, huyện trên địa bàn tỉnh.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn