Đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính năm 2015

Cập nhật ngày: 27/01/2016 13:43:13

Thực hiện Quyết định số 356/QĐ-UBND-HC ngày 12/4/2013 của UBND tỉnh ban hành Chỉ số đánh giá cải cách hành chính (CCHC) đối với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tiến hành xác định Chỉ số đánh giá CCHC năm 2015 của các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện.


Bộ phận một cửa của huyện Châu Thành

Việc xác định Chỉ số CCHC của các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện được tiến hành đảm bảo theo quy định, so với năm 2014, năm 2015 việc điều tra xã hội học được tiến hành thêm với một số đối tượng để xác định những tiêu chí, tiêu chí thành phần cụ thể. Sở Nội vụ đã tiến hành điều tra xã hội học với 484 phiếu đối với chỉ số của các sở, ngành tỉnh và 626 phiếu đối với chỉ số của các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh đứng thứ nhất trong bản xếp hạng chỉ số CCHC của các sở, ngành tỉnh và UBND TP.Cao Lãnh đứng thứ nhất trong nhóm UBND cấp huyện.

Chỉ số CCHC của các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện được đánh giá qua 8 lĩnh vực (công tác chỉ đạo điều hành; hoàn thiện và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông), một số tiêu chí điểm thưởng và điểm trừ. Qua kết quả Chỉ số CCHC năm 2015 của các sở, ngành tỉnh cho thấy, có 12 sở, ngành tỉnh đạt mức tốt (từ 80% trở lên), 7 sở, ngành đạt mức khá (dưới 80%). Năm 2015, các sở, ngành tỉnh đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ CCHC đề ra trong kế hoạch CCHC của cơ quan mình, tuy nhiên còn một số sở, ngành chưa quan tâm đúng mức đến công tác này nên chỉ số CCHC đạt mức tốt giảm so với năm 2014; số sở, ngành tỉnh đạt mức khá tăng hơn so với năm 2014. Số điểm tối đa đạt được và giá trị trung bình của năm 2015 cũng giảm so với năm 2014.

Chỉ số CCHC đối với các huyện, thị xã, thành phố cũng được đánh giá trên 8 lĩnh vực nhưng do đặc thù tính địa phương nên các tiêu chí, tiêu chí thành phần và thang điểm đánh giá khác so với các sở, ngành tỉnh. Kết quả cho thấy có 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc nhóm tốt (trên 80%), riêng TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc và huyện Tam Nông đạt trên 90%, các huyện còn lại như là: Cao Lãnh, Hồng Ngự, Lai Vung thuộc vào nhóm khá dưới 80%.

Năm 2015 là năm thứ 3 liên tiếp thực hiện xác định Chỉ số CCHC (PAR INDEX) các sở, ngành, UBND cấp huyện.

PAR INDEX của các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện cho thấy được những ưu điểm, những việc làm tốt, mô hình mới, những sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CCHC, đồng thời là những hạn chế, khuyết điểm, từ đó các cơ quan, địa phương dựa trên cơ sở đánh giá chỉ số CCHC để rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. So với năm 2014, PAR INDEX năm 2015 có giá trị trung bình đạt được thấp hơn, tuy nhiên kết quả của sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện có xu hướng tương đồng, khoảng cách điểm không quá lớn như những năm 2013, 2014. Chỉ số CCHC các sở, ngành năm 2015 giảm so với các huyện, thị xã, thành phố, nhận thấy qua quá trình thực hiện CCHC các huyện, thị xã, thành phố có nhiều quan tâm, tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ CCHC.

PAR INDEX năm 2015 của các sở, ngành tỉnh giá trị trung bình tổng và giá trị của từng lĩnh vực có giảm, chỉ số sụt giảm nằm ở công tác chỉ đạo điều hành; cải cách tổ chức bộ máy; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, lĩnh vực xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức có tăng tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Đây là những lĩnh vực đòi hỏi sự quan tâm triển khai thực hiện, có giải pháp khắc phục những hạn chế, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người trực tiếp thi hành công vụ, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, minh bạch, hiệu quả.

PAR INDEX năm 2015 của các huyện, thị xã, thành phố có giá trị tăng hơn so với các sở, ngành tỉnh, giá trị cao nhất đạt 93,19%. Qua đánh giá chỉ số CCHC năm 2015 cho thấy các huyện, thị xã, thành phố có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành, có nhiều mô hình hay, sáng kiến mới trong thực hiện CCHC hơn các sở, ngành tỉnh, có khắc phục những hạn chế từ chỉ số CCHC năm 2013, 2014, công tác kiểm tra CCHC của các huyện, thị xã, thành phố được thực hiện tốt đạt tỷ lệ cao, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng cải thiện về cơ sở vật chất, thái độ phục vụ của công chức.

Chỉ số CCHC là công cụ đánh giá toàn diện các mặt thực hiện các nhiệm vụ CCHC của các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện. Trên cơ sở đánh giá của Chỉ số CCHC các cơ quan, địa phương có căn cứ cụ thể để xác định, nhìn nhận những việc đã làm tốt để tiếp tục phát huy và thấy được những hạn chế, từ đó có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, giúp cho công tác CCHC thực hiện ngày càng tốt hơn.

Minh Thùy

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn