Đồng Tháp tập trung tạo chuyển biến mạnh trong cải cách hành chính

Cập nhật ngày: 29/02/2024 10:38:46

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240229104002dt2-9.mp3

 

ĐTO - Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) và Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 của các sở, ngành tỉnh, cấp huyện (Chỉ số SIPAS) vừa được UBND tỉnh Đồng Tháp công bố cho thấy kết quả khả quan, giá trị trung bình đều tăng so với năm trước. Qua đó thể hiện quyết tâm của các ngành, các cấp, nhất là ngày càng có nhiều mô hình hay, cách làm mới trong CCHC được triển khai và mang lại hiệu quả.


UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố kết quả các chỉ số và thảo luận đề ra giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh hơn nữa

SỰ HÀI LÒNG CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC TĂNG

Việc điều tra đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức được tập trung vào sự cảm nhận, nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng, sự mong đợi của cá nhân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước. Về điều tra đo lường nhận định, đánh giá của cá nhân, tổ chức bao gồm 9 tiêu chí. Về điều tra đo lường mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức thực hiện với 5 nhóm tiêu chí về việc cung ứng dịch vụ hành chính công. Điều tra đo lường nhu cầu, mong đợi của cá nhân, tổ chức gồm 10 tiêu chí cơ bản phản ánh các khía cạnh quan trọng của việc cung ứng dịch vụ hành chính công.

Sở Nội vụ đã phối hợp với Bưu điện tỉnh và Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 thực hiện khảo sát người dân và cán bộ, công chức, viên chức có liên hệ công tác với các sở, ngành tỉnh và các huyện, thành phố được khảo sát (tổng số là 6.045 phiếu với 2 mẫu phiếu). Kết quả SIPAS năm 2023, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong toàn tỉnh đạt 95,15% (tăng 0,51% so với năm 2022).

Trong đó, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của 18/19 sở, ngành tỉnh đạt trên 96%, Văn phòng UBND tỉnh 85,42%. Có 14 cơ quan có SIPAS năm 2023 đạt 100% (tăng 1 cơ quan so với năm 2022); 5/19 cơ quan có SIPAS tăng, 11/19 cơ quan có SIPAS giữ vững, 2/19 cơ quan có SIPAS giảm so với năm 2022. Mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của 10/12 huyện, thành phố đạt trên 91%; 8/12 huyện, thành phố có SIPAS 2023 tăng, 4/12 huyện, thành phố có SIPAS giảm so với năm 2022.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tặng Cờ thi đua dẫn đầu 2 khối cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND huyện Châu Thành

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH ĐẠT KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Theo Quyết định số 1396 ngày 20/12/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy định Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC của các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh, Bộ tiêu chí gồm các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần. Đối với cấp sở, Bộ tiêu chí PAR Index của các cơ quan, gồm: 7 lĩnh vực, 35 tiêu chí và 63 tiêu chí thành phần. Đối với cấp huyện, Bộ tiêu chí PAR Index các địa phương, gồm: 8 lĩnh vực, 39 tiêu chí và 68 tiêu chí thành phần. So với cấp sở, cấp huyện có thêm lĩnh vực tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội có 4 tiêu chí và 2 tiêu chí thành phần.

Trên cơ sở kết quả các cơ quan cấp tỉnh và các địa phương tự rà soát, đánh giá, chấm điểm đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần theo hướng dẫn, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các thành viên Tổ thẩm định Chỉ số CCHC của tỉnh (gồm đại diện các Sở: Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp và Văn phòng UBND tỉnh) thực hiện việc thẩm định kết quả tự đánh giá. Sau đó, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và công bố Chỉ số CCHC năm 2023 của các sở, cơ quan ngang sở và UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh.

Kết quả PAR Index của các sở, ngành tỉnh cho thấy có sự tập trung vào 2 nhóm điểm. Nhóm xếp loại xuất sắc có Chỉ số đạt từ 90% trở lên, gồm 9 sở (tăng 7 so với năm 2022). Trong đó, hạng nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư có Chỉ số đạt 94,72%; hạng nhì là Sở Nội vụ có Chỉ số đạt 93,55%; Ban Quản lý Khu kinh tế hạng ba với Chỉ số đạt 92,18%; kế tiếp là các Sở: Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Xây dựng. Nhóm xếp loại tốt có Chỉ số đạt từ 80% đến dưới 90% gồm 8 sở còn lại. Giá trị trung bình PAR Index năm 2023 của các sở, ngành tỉnh là 89,55%, tăng 2,66% so với năm 2022 (không tính Văn phòng UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh).

Kết quả PAR Index của các địa phương cũng tập trung vào 2 nhóm điểm. Nhóm xếp loại xuất sắc có Chỉ số đạt từ 85% trở lên, gồm 7 địa phương (tăng 3 so với năm 2022). Trong đó, đứng đầu là huyện Châu Thành với Chỉ số đạt 90,79%, TP Hồng Ngự hạng nhì với Chỉ số đạt 90,65%; huyện Hồng Ngự hạng ba có Chỉ số 88,49%; kế tiếp là huyện Tam Nông, TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh, huyện Tháp Mười. Nhóm xếp loại tốt có Chỉ số đạt từ 80% đến dưới 85% gồm 5 địa phương còn lại. Giá trị trung bình PAR Index năm 2023 của các huyện, thành phố là 85,36%, tăng 3,09% so với năm 2022.


Tỉnh nhân rộng mô hình lãnh đạo gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính để kịp thời tháo gỡ vướng mắc

THAY ĐỔI TƯ DUY, PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, thời gian qua, Đồng Tháp luôn xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là khâu đột phá, góp phần xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, tạo dựng hình ảnh địa phương, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hướng đến sự hài lòng cao nhất của người dân, doanh nghiệp. Kết quả thực hiện CCHC của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là tạo được lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, góp phần giúp Đồng Tháp là địa phương duy nhất 15 năm liên tục nằm trong nhóm 5 các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển tốt hơn.

Trên cơ sở kết quả công bố các Chỉ số năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện rà soát lại từng tiêu chí, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu để nhận diện, đưa vào kế hoạch công tác năm 2024 và đề ra các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế nhằm tạo chuyển biến mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, các ngành, các cấp thay đổi tư duy, phương pháp làm việc để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay; lãnh đạo và đội ngũ công chức, viên chức phải nắm chắc quy chế, quy định, nhiệm vụ được giao, nhất là phải nắm chắc những hồ sơ TTHC của người dân còn vướng mắc ở khâu nào, gặp khó khăn gì để có hướng xử lý kịp thời; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý, thực hiện việc thay đổi vị trí công tác; thường xuyên rà soát, sửa đổi, cập nhật các quy chế, quy trình cho phù hợp với các quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC thuộc thẩm quyền quản lý và phải đặt yêu cầu cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức như: rút ngắn thời hạn xử lý, đơn giản hóa các bước không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ... Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để giải quyết nhanh các công việc; cải tiến chế độ thông tin, báo cáo; kiểm soát tốt quy trình xử lý văn bản đi, đến, nhất là trong nội bộ từng cơ quan, lãnh đạo đơn vị phải nắm được các văn bản xử lý tới đâu, bộ phận nào đang tồn đọng, vụ việc gì đang ách tắc để xử lý kịp thời, tới nơi, tới chốn, công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm từng bộ phận, cơ quan, địa phương; không để tình trạng lãnh đạo không nắm được công việc.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các ngành, các cấp phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số, trong đó, nghiêm túc thực hiện việc xử lý công việc qua mạng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đảm bảo các tỷ lệ được giao...

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn