Những điểm nhấn cải cách hành chính ngành BHXH - Hướng tới nền hành chính phục vụ

Cập nhật ngày: 25/05/2020 10:03:34

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế về an sinh xã hội đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và khu vực, xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa TTHC, thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch về BHXH, BHYT.


Bảo hiểm xã hội Việt Nam nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin

Bà Nguyễn Thị Kim Thu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, người lao động (NLĐ) có quyền được cấp và quản lý sổ BHXH. Do đó, doanh nghiệp không phải thực hiện lưu giữ, quản lý sổ BHXH cho NLĐ”. Để triển khai thực hiện quy định này, từ tháng 10/2016, BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát và trả sổ BHXH cho NLĐ. Đến nay, toàn quốc đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát và bàn giao 13,3 triệu sổ đến tận tay NLĐ (đạt 99,28% tổng số NLĐ đang tham gia).

Nhờ đó, doanh nghiệp đã giảm được thời gian và nhân lực để cập nhật và lưu trữ sổ BHXH. Đặc biệt, việc bàn giao sổ BHXH mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực như: NLĐ sẽ có đầy đủ thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của mình, đồng thời hàng năm được cơ quan BHXH gửi thông báo về mức đóng và thời gian tham gia bảo hiểm trong năm. Bên cạnh đó, NLĐ có thể tự tra cứu thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của mình trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải đề nghị đổi thẻ BHYT hàng năm cho NLĐ. Việc này, không chỉ giảm thời gian, nhân lực trong việc quản lý sổ BHXH cho NLĐ mà còn không phải rà soát, lập danh sách đề nghị đổi thẻ BHYT hằng năm cho NLĐ.

Nếu như trước tháng 8/2017, doanh nghiệp phải tiến hành rà soát, lập danh sách đề nghị đổi thẻ BHYT hằng năm cho NLĐ thì từ tháng 9/2017 đến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý thẻ BHYT. Theo đó, thẻ BHYT của NLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp được cơ quan BHXH gia hạn tự động. Những thay đổi này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người sử dụng thẻ BHYT, đặc biệt doanh nghiệp được cắt giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục đề nghị gia hạn thẻ, nhận thẻ, chuyển thẻ BHYT đến từng NLĐ.

BHXH Việt Nam đã rà soát, giản lược các tiêu chí cần kê khai trên mẫu Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) và mẫu Tờ khai cá nhân tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).

Cụ thể, doanh nghiệp chỉ cần khai báo 5 tiêu thức trong tổng số 12 tiêu thức của mẫu tờ khai cá nhân tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (TK3-TS) khi cập nhật các nội dung thay đổi về thông tin của đơn vị; chỉ cần rà soát để xác nhận 5 tiêu thức trong tổng số 14 tiêu thức của mẫu tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh BHXH, BHYT (TK1-TS) của NLĐ khi cập nhật thay đổi thông tin của NLĐ. Thay đổi này giúp doanh nghiệp giảm được thời gian kê khai lại các tiêu thức khác trong mẫu tờ khai khi có thay đổi thông tin so với việc áp dụng quy định trước đó.

Chị Lê Thị Hồng Thắm - phụ trách nhân sự của một doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Sa Đéc cho biết, BHXH đã đơn giản các biểu mẫu rất nhiều, cụ thể như mẫu văn bản đề nghị của đơn vị về đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ (Mẫu 05A-HSB) đã bỏ yêu cầu kê khai theo cách thức người khai phải viết rõ nội dung và thay bằng hình thức lựa chọn đánh dấu vào các ô có chứa nội dung phù hợp; bỏ xác nhận của người lập biểu và Công đoàn cơ sở, chỉ yêu cầu duy nhất 1 chữ ký xác nhận của đơn vị trong danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Mẫu 01B-HSB).

Các sửa đổi này cùng với việc bãi bỏ thành phần hồ sơ: bản sao Biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản đo đạc môi trường lao động có yếu tố độc hại theo quy định tại Điều 57, 58 Luật An toàn vệ sinh lao động và thành phần hồ sơ là Sổ BHXH đối với trường hợp người lao động đang làm việc bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp đã góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian khi xử lý những công việc liên quan đến đề nghị giải quyết các chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng cho người lao động.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn