Tiện ích của mô hình “Chứng thực 4.0”

Cập nhật ngày: 01/07/2021 06:06:11

ĐTO - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức có nhu cầu chứng thực hồ sơ, giấy tờ được nhanh chóng, giảm số lần đi lại, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với chính quyền địa phương, UBND huyện Lấp Vò đã triển khai, thực hiện mô hình “Chứng thực 4.0” tại các Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả trên địa bàn huyện.


Người dân đánh giá cao mô hình “Chứng thực 4.0” ở tính tiện ích

Việc chứng thực hồ sơ, giấy tờ theo mô hình “Chứng thực 4.0” vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật về chứng thực, chỉ khác nhau về phương pháp thực hiện. Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung - công chức Văn phòng - Thống kê thị trấn Lấp Vò (huyện Lấp Vò) cho biết, để thực hiện mô hình “Chứng thực 4.0”, khi công dân, tổ chức đến chứng thực lần đầu sẽ được thực hiện qua 3 bước. Đó là, công dân, tổ chức nộp bản chính giấy tờ cần chứng thực tại Bộ phận Một cửa mà không cần photo; công chức Bộ phận Một cửa sẽ scan các giấy tờ chứng thực, tạo tài khoản công dân (qua số điện thoại di động để xác nhận tài khoản đăng nhập cho những lần chứng thực sau này) và lưu các dữ liệu vào phần mềm hotrothutuc; công chức Bộ phận Một cửa in các loại giấy tờ, hồ sơ theo yêu cầu của công dân, tổ chức đến chứng thực và thực hiện quy trình chứng thực, thu phí và trả kết quả.

Việc chứng thực theo quy định hiện nay thì người dân phải photo hồ sơ, giấy tờ để công chức Bộ phận Một cửa đối chiếu tính chính xác và sau đó tiến hành thực hiện quy trình chứng thực, thu phí và trả kết quả. Khi áp dụng mô hình “Chứng thực 4.0” rất tiện ích cho công dân, tổ chức bởi khi dữ liệu chứng thực lần đầu được lưu trên phầm mềm, không phải tốn chi phí cho việc photo. Công dân, tổ chức khi tiếp tục có nhu cầu chứng thực bản sao các giấy tờ đó chỉ cần gọi điện thoại đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện, thị trấn, xã yêu cầu chứng thực và cung cấp số điện thoại đã đăng ký ban đầu. Sau khi tiếp nhận thông tin, công chức Bộ phận Một cửa sẽ đăng nhập thông tin của người yêu cầu, nhập mã xác nhận đăng nhập tài khoản công dân và chọn loại giấy tờ cần chứng thực, in số bản theo yêu cầu, thực hiện quy trình chứng thực, thu phí và trả kết quả.

Ông Nguyễn Thanh Vân ngụ xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò chia sẻ: “Tôi rất hài lòng khi được giải quyết chứng thực giấy tờ bằng mô hình “Chứng thực 4.0” vì không phải photo giấy tờ và giảm đi lại nhiều lần. Từ sau lần chứng thực đầu tiên, nếu có nhu cầu chứng thực giấy tờ đó nữa, tôi chỉ cần gọi điện thoại đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của xã yêu cầu thực hiện. Sau đó, tôi được hẹn đến nhận giấy tờ đã chứng thực và đóng phí là xong việc. Tôi rất mong mô hình này tiếp tục thực hiện để tạo thuận tiện cho người dân khi có nhu cầu chứng thực giấy tờ, hồ sơ”.

Đề cập đến mức độ bảo mật thông tin cá nhân, tổ chức khi thực hiện mô hình “Chứng thực 4.0”, ông Nguyễn Đăng Khoa - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Lấp Vò khẳng định: “Mã xác nhận do phần mềm tự gửi tin nhắn qua số điện thoại di động của người yêu cầu chứng thực, thao tác này nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin của cá nhân, tổ chức. Cứ mỗi lần có yêu cầu chứng thực thì phần mềm sẽ thông báo mã xác nhận khác nhau và chỉ người yêu cầu mới có để cung cấp mật mã này cho công chức đăng nhập vào phần mềm”.

Với quyết tâm tạo sự hài lòng của công dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính, để thực hiện mô hình “Chứng thực 4.0” mang lại hiệu quả cao, UBND huyện Lấp Vò đã đầu tư xây dựng phần mềm hotrothutuc, trang bị máy scan, máy vi tính, máy in cho các xã, thị trấn để thực hiện đồng bộ. Theo Phòng Nội vụ huyện Lấp Vò, mô hình triển khai thực hiện từ tháng 4/2020, đến nay đã triển khai ra 13 xã, thị trấn và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND huyện. Kết quả, năm 2020, có 906 hồ sơ thực hiện qua mô hình “Chứng thực 4.0”.

Một trong những đơn vị cấp xã của huyện Lấp Vò thực hiện tốt mô hình “Chứng thực 4.0” là xã Mỹ An Hưng A với số lượng giải quyết chứng thực giấy tờ, hồ sơ nhiều nhất trên địa bàn huyện. Bà Ngô Thị Hai - Chủ tịch UBND xã Mỹ An Hưng A đánh giá: “Từ khi triển khai, thực hiện mô hình “Chứng thực 4.0”, xã thực hiện được 544 hồ sơ. Mô hình này góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và nâng cao sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của xã, giảm bớt sự phiền hà của người dân trong việc đi lại chứng thực giấy tờ của cá nhân, tổ chức trên địa bàn xã”.

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Lấp Vò đánh giá: “Mô hình “Chứng thực 4.0” mang lại rất nhiều hiệu quả, tiện ích đối với công dân, tổ chức được tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt thời gian đi lại, không cần phải đi nộp hồ sơ trực tiếp, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay; thuận lợi trong việc tra cứu khi người dân bị thất lạc hồ sơ vẫn còn lưu trên phần mềm. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, quản lý thông tin của người dân thông qua phầm mềm góp phần hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng đối với công dân, tổ chức. Ngoài ra, huyện còn có dịch vụ trả kết quả chứng thực cho công dân, tổ chức qua bưu điện theo yêu cầu”.

Theo Phòng Nội vụ huyện Lấp Vò, các tổ chức, cá nhân thực hiện chứng thực qua mô hình “Chứng thực 4.0” đã đánh giá rất hài lòng và ủng hộ mô hình này. Tuy nhiên, trong những tháng đầu triển khai do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế, người dân chưa biết nhiều đến mô hình nên số hồ sơ giải quyết còn chưa nhiều. Thời gian tới, Phòng Nội vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để công dân, tổ chức biết tham gia thực hiện; đồng thời phát huy vai trò của Đội văn minh công sở tổ chức tập huấn nhằm thực hiện tốt hơn việc hỗ trợ người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính.

DƯƠNG CẦM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn