“Dựng cột” năng động và sáng tạo

Cập nhật ngày: 21/04/2024 10:36:30

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240421103736dt2-2.mp3

 

ĐTO - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ X đã lựa chọn việc xây dựng con người Đồng Tháp “nghĩa tình, năng động, sáng tạo” là một trong những nội dung lớn của phẩm chất con người Đồng Tháp. Người Đồng Tháp nghĩa tình đã có nền vững chắc để tiếp tục xây dựng. Và trên “nền” ấy, “dựng cột”, “đâm chồi” năng động, sáng tạo như là lẽ đương nhiên. Hơn nữa, năng động, sáng tạo lại là một phẩm chất quan trọng trong quá trình xây dựng quê hương “trù phú, đáng sống” như chính tên gọi với niềm tự hào của người dân ở đây “Đồng Tháp - Đất Sen hồng”.

Năng động là chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm. Là làm việc một cách nhiệt huyết, cố gắng hết sức nhằm thực hiện tốt những công việc đã định. Còn sáng tạo là luôn say mê, tìm tòi nghiên cứu để tạo ra cái mới về vật chất và tinh thần. Gần như “song sinh”, năng động gắn liền với sáng tạo. Năng động, sáng tạo là phẩm chất vô cùng quý giá của mỗi người và xã hội ở bất cứ giai đoạn nào, nhất là trong xã hội hiện đại. Trước đây, không ít người nghĩ rằng người Việt Nam nói chung, người Việt Nam ở Đồng Tháp nói riêng chỉ cần cù, thiếu năng động, sáng tạo. Dĩ nhiên, quan niệm ấy có cơ sở của nó bởi một thời phần đông người sống trong lũy tre làng với cách canh tác lúa nước gắn hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Xã hội ấy cần lao động cơ bắp, cần tinh thần làm việc cần cù và được khuyên dạy “lấy cần cù bù thông minh”.

Thế nhưng, điều ấy không phải là tất cả và nhất là đối với người Việt Nam ở Đồng Tháp. Nơi đây là vùng đất mới, hoang vu và khắc nghiệt. Đến và định cư ở Đồng Tháp phải là những con người “dấn thân”. Để tồn tại và phát triển, người Đồng Tháp phải tự mình và liên kết với nhau dựng nhà trong điều kiện mùa nước nổi, lập ấp, dựng làng, tạo nên các cộng đồng dân cư ngày càng đông đúc; tiến hành khai hoang, phục hóa trên những cánh đồng năn, lác để làm ra những “hạt ngọc”; cải tiến nông cụ, dụng cụ làm ra các vật dụng thiết yếu cho đời sống; tạo những phương tiện đánh bắt các loài vật chẳng những đảm bảo sinh nhai mà còn đổi chác, mua bán dành dụm cho cuộc sống sau này. Bên cạnh hoạt động “tìm kế sinh nhai”, theo lời kêu gọi của Tổ quốc và của Đảng Cộng sản Việt Nam, người Đồng Tháp tham gia các phong trào chống lại sự cường quyền và xâm lược để giành lại độc lập, tự do và bình đẳng. Họ năng động, sáng tạo làm ra vũ khí (chông, bẫy chông, bẫy ong, nạng dàn thun...) và cách thức đánh giặc. Sự năng động, sáng tạo ấy đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê hương và đất nước. Nền tảng tinh thần ấy được kích hoạt mạnh mẽ khi Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp chủ trương “chinh phục vùng Đồng Tháp Mười”. Một số chuyên gia kể cả chuyên gia có uy tín ở nước ngoài cho rằng đó là công việc không thể. Nhưng, Đảng bộ và Nhân dân Đồng Tháp đã kiên cường và đầy sáng tạo làm hồi sinh một vùng đất được khuyến cáo hãy để nó “ngủ yên”. Trong thời kỳ đất nước đổi mới mà nhất là những năm gần đây, các phong trào “khởi nghiệp”, “tuổi trẻ sáng tạo”... đã thêm nhiều bằng chứng để ghi nhận người Đồng Tháp năng động, sáng tạo. Như vậy, cùng với phẩm chất nghĩa tình, người Đồng Tháp có hẳn tính năng động, sáng tạo.

 Dĩ nhiên, sự năng động, sáng tạo ấy không đáp ứng được yêu cầu của hiện nay và sẽ là nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều nơi trong tương lai. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang sáng tạo những điều được cho là viễn tưởng. Mặc dù có những tiến bộ nhất định trong việc sử dụng công nghệ hiện đại, tỷ lệ quá nhỏ dân cư đã sử dụng ATM và giao dịch không tiền mặt, việc “số hóa” còn chập chững, số lao động “đi làm thuê” quá nhiều trong khi “làm chủ” lại hiếm... Hiện nay, địa phương cũng như cả nước đang trong tiến trình hội nhập với thế giới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng còn ở giai đoạn sơ khai, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ với những bước tiến kỳ diệu và nhanh như “vũ bão”... Cùng với các yếu tố chính trị, môi trường tự nhiên và dịch bệnh làm cho sự phát triển thế giới đan xen lợi thế, cơ hội lớn và thách thức, khó khăn khó đoán định và không có tiền lệ... Tất cả những yếu tố kể trên đòi hỏi người Việt Nam nói chung, người Việt Nam ở Đồng Tháp nói riêng phải có phẩm chất cao về năng động, sáng tạo. Năng động, sáng tạo là kết quả của quá trình rèn luyện siêng năng, tích cực của con người trong học tập, lao động và cuộc sống. Với nền tảng đã có, người Đồng Tháp nắm bắt các yếu tố “dọn đường” cho năng lực năng động, sáng tạo đang được bày ra: Nền kinh tế có lực lượng sản xuất phát triển cao, thị trường thông thoáng và minh bạch, chính trị dân chủ, xã hội hài hòa và văn minh, giáo dục được đổi mới khuyến khích con người có tư duy độc lập và học tập suốt đời... làm hành trang trên bước đường hiện đại hóa địa phương và đất nước.

Năng động, sáng tạo không phải là điều xa lạ đối với người Đồng Tháp. Do môi trường tự nhiên và xã hội khắc nghiệt, người Đồng Tháp đã năng động, sáng tạo để “mở mang bờ cõi” và giành độc lập cho Tổ quốc. Các thế hệ kế tiếp đã “chinh phục” vùng đất, thuần phục vật nuôi và đang “khởi nghiệp”. Với nền tảng đã có, không gian sáng tạo rộng mở và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người Đồng Tháp sẽ “dựng cột” và phát triển phẩm chất năng động, sáng tạo của mình tiến cùng thời đại. Con người Đồng Tháp “nghĩa tình, năng động, sáng tạo” đã và sẽ là chủ nhân của một quê hương trù phú: “Đồng Tháp - Đất Sen hồng”.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn