“Niềm tin sẽ tạo lập hành vi, hành vi sẽ gieo nên kết quả” (*)

Cập nhật ngày: 03/10/2014 04:54:36

(Bài phát biểu của đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy, bế mạc Hội nghị lần thứ 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX)

Đến thời điểm này, Hội nghị lần thứ 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phần mở rộng đã cơ bản hoàn thành nội dung chương trình. Hội nghị đã bám sát những nội dung trọng tâm, tập trung phân tích, đề xuất nhiều giải pháp mới, khả thi. Thay mặt Chủ trì Hội nghị, tôi đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu và chỉ đạo bổ sung những ý kiến xác đáng vào các dự thảo văn bản. Trước khi kết thúc Hội nghị, tôi xin lưu ý thêm một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Những tín hiệu khởi sắc của kinh tế - xã hội cả nước từ đầu năm 2014 đến nay đã có tác động nhất định đến sự phục hồi của tỉnh. Chúng ta đã khởi động Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh”. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng dần chất lượng, hiệu quả; các chương trình hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Ngân hàng Thế giới đang mở ra nhiều triển vọng cho ngành nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng nông thôn mới đến thời điểm này đã đạt được những kết quả thiết thực theo mục tiêu lãnh đạo của Tỉnh ủy.

Sản xuất công nghiệp phát huy được lợi thế ngành; nhiều doanh nghiệp năng động tìm hướng phát triển phù hợp trong bối cảnh còn khó khăn. Hoạt động mua bán, sáp nhập, tăng vốn giữa các doanh nghiệp, đặc biệt sự hợp tác với các tập đoàn nước ngoài giúp cho doanh nghiệp trong tỉnh có thêm nguồn lực để phát triển, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm... là những tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây.

Đề án phát triển Du lịch tỉnh đến năm 2020 đang hoàn thiện, sẽ tạo sức bật mới cho Du lịch đất Sen Hồng, đóng góp thiết thực cho kinh tế - xã hội. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang nghiên cứu các dự án quy mô lớn với nhiều loại hình phong phú là triển vọng cho du lịch tỉnh ta.

Việc đầu tư mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - An Hữu - tuyến giao thông đặc biệt quan trọng của tỉnh, cửa ngỏ kết nối giao thương với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh, mở ra cơ hội hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trong điều kiện khó khăn về vốn đầu tư.

An sinh xã hội ngày càng trở thành cuộc vận động rộng khắp. Cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, lề lối làm việc và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quan hệ đối ngoại với các tỉnh vùng biên của nước bạn tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu.

Tuy nhiên, chúng ta cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn, cả cái cũ lẫn cái mới: Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, tăng trưởng đạt thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; thu ngân sách đạt thấp trong 3 năm liên tục gây khó khăn trong cân đối vốn cho đầu tư phát triển; xuất khẩu vẫn chưa khởi sắc. Nông sản tiêu thụ không được thuận lợi, lợi nhuận của người sản xuất và cả doanh nghiệp đều thấp. Tội phạm và tình hình vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên, tai nạn giao thông đường bộ tuy được kéo giảm, nhưng chưa thật sự bền vững.

Dự báo năm 2015, tình hình kinh tế có nhiều thuận lợi nhưng tiềm ẩn rủi ro khó lường. Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi phương pháp đánh giá tăng trưởng địa phương. Tôi đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh nghiên cứu đề xuất đổi mới hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phù hợp với tư duy mới. Tôi xin lưu ý một lần nữa rằng, “chỉ tiêu tăng trưởng cần nên hiểu là chỉ tiêu định hướng, là dự báo, bởi mọi hoạt động kinh tế đều phụ thuộc vào quy luật cung cầu của thị trường”. Trên tinh thần đó, tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, địa phương lưu ý thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Nhanh chóng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm chủ quan, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành tỉnh và địa phương để khơi thông các nguồn lực phát triển.

Lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đồng thời đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong nhiệm kỳ để phấn đấu đạt kết quả cao nhất. Khắc phục tư duy nhiệm kỳ, co thủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Lãnh đạo giải quyết tốt các vấn đề xã hội cấp thiết, như: di dân vùng sạt lở, đưa dân vào các cụm, tuyến dân cư; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giữ gìn an ninh trật tự khu dân cư, phòng, chống thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật; kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ.

Thứ hai, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về văn hóa.

Để thực hiện Nghị quyết về văn hóa, chúng ta thường hay nghĩ ngay đến việc phải tìm cho ra bản sắc riêng của người Đồng Tháp. Theo tôi, chúng ta không nên đặt ra vấn đề để tự làm khó mình, một vấn đề sẽ gây nhiều tranh cãi và có thể sẽ không bao giờ có hồi kết.

Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng hơn là cần nhận thức lại, nhận thức đúng về văn hóa, về quản lý nhà nước về văn hóa, về nhiệm vụ của ngành văn hóa. Trong thời gian dài, chúng ta thường có xu hướng đánh đồng chức năng, nhiệm vụ của công tác văn hóa và ngành văn hóa chỉ là phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa. Thật ra, mục đích cuối cùng của ngành văn hóa chính là hình thành nên lớp người mới có nhân cách, có tri thức, có khả năng chung sống cùng nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng pháp luật, hay nói như Nghị quyết là: “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Ngành phải tạo ra một môi trường mà ở đó cái hay, cái thiện, cái tiên tiến được tôn vinh và làm lan toả trong toàn xã hội, để đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu. Do vậy, chúng ta cần chú ý phát hiện, biểu dương và nhân rộng những mô hình tốt, gương người tốt, việc tốt trong nội bộ Đảng và trong cộng đồng dân cư. Chú ý vừa tuyên truyền về nét đẹp văn hóa làng xã, vừa đấu tranh, phê phán những hạn chế, trì trệ cũng xuất phát từ chính văn hóa làng xã, từ tư duy tiểu nông, đó là: “Luật vua thua lệ làng”, “Cha chung không ai khóc”, “Ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấy giữ”, tư tưởng “Nước tới trôn mới nhảy”, “Mất bò mới lo làm chuồng”. Tất cả đang là điểm nghẽn lớn cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

Một trong những nội dung mới của Nghị quyết lần này là “xác định nâng cao văn hóa ứng xử trong Đảng, trong hệ thống chính trị là giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, “Có dân chủ trong Đảng thì mới có dân chủ ngoài xã hội”. Lời dạy của Người nhắc nhở chúng ta về đạo làm người trong đối nhân, xử thế, là kim chỉ Nam cho định hướng xây dựng văn hóa ứng xử, sống chân thành, trải lòng, tôn trọng nhau để không còn tình trạng độc đoán, gia trưởng, văn hóa gia đình trong công sở.

Tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, trên cơ sở Chương trình hành động, lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa một cách sáng tạo ở cấp mình, ngành mình, nội dung phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, tránh lý luận sáo rỗng. Cần lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể; kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy.

Thứ ba, về công tác xuất khẩu lao động.

Công tác xuất khẩu lao động trong thời gian qua chưa được tập trung lãnh đạo nên còn nhiều hạn chế. Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của lĩnh vực này trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, nhất là chưa xác định đây là một giải pháp quan trọng giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, hình thành một nguồn nhân lực kỹ thuật cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, Tỉnh ủy đã thống nhất quan điểm tái khởi động Chương trình xuất khẩu lao động, xác định đây là một trong ba chương trình lớn của tỉnh. Để công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả cao, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

- Một, quán triệt đầy đủ tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh ủy từ trong các cấp ủy, đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông về chế độ, quyền lợi, trách nhiệm, tiêu chuẩn, điều kiện làm việc và sinh hoạt, thu nhập ở từng thị trường, quy định pháp luật của nước sở tại. Kiên trì tạo dựng lòng tin trong nội bộ và nhân dân về lợi ích trước mắt và lâu dài, tránh tư tưởng hoài nghi, ngán ngại, an phận, “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Phải chăng đó là nút thắt chính làm cho một bộ phận nhân dân bằng lòng với hiện tại, không tự vươn lên, thậm chí chây ỳ, ỷ lại. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải nhận trách nhiệm về mình, từ đó, có các hình thức tác động thường xuyên, liên tục, “mưa dầm thấm lâu” đối với các đoàn viên, hội viên để vượt qua nút thắt đó! Phải làm sao đưa được mục tiêu của đi lao động ở nước ngoài là: “Ra đi để làm thuê, trở về là để làm chủ”!.

- Hai, nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nghiên cứu mở rộng ngành, nghề theo yêu cầu của thị trường lao động. Quan tâm tuyển chọn đối tượng trong số sinh viên chưa có việc làm, bộ đội xuất ngũ, con em thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Chú ý tổ chức đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật, có nghiệp vụ sang làm việc ở các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc...

- Ba, các cấp ủy, chính quyền địa phương hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai và giao chỉ tiêu, xác định công tác xuất khẩu lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Ban Chấp hành còn băn khoăn về chỉ tiêu chưa đáp ứng với kỳ vọng về một chương trình quan trọng. Đề nghị Ban cán sự đảng Uy ban nhân dân Tỉnh nghiên cứu lại các chỉ tiêu này cho phù hợp. Chúng ta thường trách bà con mình chưa có ý chí hay chính chúng ta cũng đang thiếu ý chí? Bà con mình sợ rủi ro hay ngay cả chúng ta cũng đang sợ rủi ro?

Thứ tư, về Đề cương Báo cáo chính trị trình Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

Chúng ta đã khởi động công tác chuẩn bị đại hội Đảng, một nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi nhiệm kỳ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra yêu cầu phải đổi mới công tác biên tập văn kiện. Muốn cấp ủy cấp dưới đổi mới thì cấp ủy cấp trên phải nghiêm túc đổi mới trước. Trên cơ sở kết cấu, bố cục Đề cương được thông qua tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo Tiểu ban Văn kiện chỉ đạo các cơ quan tham mưu khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh để tổ chức lấy ý kiến các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học, các viện, trường, các tầng lớp nhân dân theo lộ trình biên tập văn kiện, phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một Nghị quyết Đại hội “đáp ứng tốt nhất yêu cầu thực tiễn cuộc sống”.

Thời gian từ nay đến Đại hội X rất ngắn ngủi, chúng ta còn đó rất nhiều việc phải làm, làm bằng ý thức trách nhiệm cao. Mỗi chương trình hành động cần phải được triển khai một cách nghiêm túc, có chiều sâu, thật cụ thể. Mỗi người lãnh đạo tổ chức đảng phải vượt lên chính mình, phải là trung tâm của sự đoàn kết, cổ vũ sự sáng tạo, phê phán, đấu tranh với sự thờ ơ, trì trệ, co thủ, tự bằng lòng. Ba chương trình lớn của tỉnh đòi hỏi chúng ta phải có ý chí cao, nỗ lực vượt bậc, phải đi đến cùng sự việc, tìm đúng điểm nghẽn, chạm đến từng nút thắt. Sẽ không đạt được kết quả mới, thành công mới nếu vẫn cứ “trung thành” với cách nghĩ cũ, cách làm cũ! Vấn đề không phải ở chỗ chúng ta có thể làm được hay không mà là chúng ta có muốn làm hay không! Tình hình kinh tế - xã hội đã khó và sẽ còn khó, chúng ta chưa hài lòng và chắc chắn cũng còn sẽ chưa hài lòng. Nguồn lực hữu hạn nhưng nhu cầu thì vô hạn, quy luật khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường làm giới hạn mong muốn của mỗi chúng ta. Vấn đề tôi muốn chia sẻ ở đây là chúng ta có quá bi quan khi nhận định về bức tranh kinh tế - xã hội hay không? Các chủ trương, chương trình hành động về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển du lịch, xuất khẩu lao động, xây dựng chính quyền thân thiện đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng, chắc chắn sẽ phát huy trong thời gian tới. Chúng ta luôn đứng trong tốp đầu trong các bảng xếp hạng quốc gia về nhiều lĩnh vực: năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, công nghệ thông tin... Tôi cho rằng, đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp củng cố niềm tin trong nội bộ về sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, công tác điều hành của UBND tỉnh. “Niềm tin sẽ tạo lập hành vi, hành vi sẽ gieo nên kết quả”.

* Tựa đề do Tòa soạn Báo Đồng Tháp đặt

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn