“Ý Đảng, lòng dân”
Cập nhật ngày: 20/02/2020 06:01:45
ĐTO - Chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đồng Tháp đã mang lại nhiều khởi sắc cho tỉnh thuần nông nghiệp và được cho là “khuất nẻo”. Đồng Tháp trước đây ít người biết đến, ít lời khen tặng nhưng giờ đây nhiều thứ đã được đổi khác. Trong suy nghĩ của nhiều người, Đồng Tháp là vùng Đất Sen hồng hoa thơm trái ngọt, là nơi đáng sống. Kết quả của chặng đường ấy, thể hiện ở sức mạnh của “Ý Đảng, lòng dân” làm nên những thành quả trong xây dựng NTM.
Kỳ 1: Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị
Yếu tố góp phần thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở Đồng Tháp là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị.
Trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận TP.Sa Đéc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt
Để xây dựng NTM, trong lãnh đạo, điều hành, các cấp ủy đảng đã đổi mới, sáng tạo, linh hoạt và đoàn kết với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM. Đặc biệt, Tỉnh ủy phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên, trưởng các ngành tỉnh phụ trách các xã điểm nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ của ngành, địa phương trong tiến trình xây dựng NTM. Các địa phương xác định người dân là chủ thể và là người hưởng lợi trực tiếp trong xây dựng NTM nên tập trung khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực trong nhân dân.
Từ thực tiễn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, Đồng Tháp rút ra bài học kinh nghiệm, đó là: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt cùng với sự quyết tâm, sâu sát và tính gương mẫu của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện thì sẽ đạt được kết quả tốt trong xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
|
Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sau khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Đồng Tháp đã có nhiều xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 55/119 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 28 xã so năm 2015). Nhiều địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM cao như: TP.Cao Lãnh 7/7 xã, TX.Hồng Ngự 4/4 xã, huyện Tháp Mười 12/12 xã; riêng TP.Sa Đéc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đơn vị hoàn thành nhiệm vụ NTM vào năm 2016. Dự kiến, đến cuối năm 2020 có 79 xã đạt chuẩn NTM (đạt 66,39%), vượt chỉ tiêu chung 65% của cả nước. Trong đó, có 37 xã điểm (giai đoạn 2016 - 2020) được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 100%) kế hoạch của Đồng Tháp đề ra.
Điển hình như xã Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò) đã đạt chuẩn NTM trong niềm vui phấn khởi của toàn Đảng bộ xã và nhân dân địa phương. Ông Trương Văn Chúng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh cho biết: “Vai trò của cấp ủy đảng là rất lớn, đặc biệt Ban Chấp hành Đảng bộ xã luôn đi đầu, gương mẫu thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt thông suốt trong cán bộ, đảng viên và người dân về chủ trương xây dựng NTM. Từ đó, người dân đồng thuận cao trong việc hiến đất, di dời vật kiến trúc, đóng góp ngày công lao động... cùng với chính quyền địa phương xây dựng đạt 19/19 tiêu chí”.
Các cấp ủy đảng quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền cho mỗi người dân khu vực nông thôn nhận thức rõ vai trò chủ thể, hiểu được lợi ích và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện xây dựng NTM. Qua đó, nhân dân có bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM. Ông Nguyễn Thanh Vân (65 tuổi) ngụ xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò chia sẻ: “Qua các lần tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, gia đình tôi nhận thức được trách nhiệm tham gia xây dựng NTM. Mặc dù, gia đình còn khó khăn, không đóng góp được tiền thì tôi kêu gọi các thành viên trong gia đình tham gia đóng góp ngày công lao động để xây dựng cầu, đường và sẵn sàng chặt bỏ cây ăn trái cho Nhà nước thi công các công trình dân sinh”.
Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ủy các xã ban hành nghị quyết chuyên đề về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; đồng thời rà soát, đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM theo hướng dẫn của cấp trên, xây dựng kế hoạch, lộ trình và có giải pháp cụ thể trong triển khai thực hiện xây dựng NTM. Bên cạnh đó, các địa phương lựa chọn tiêu chí có thế mạnh, có tính đột phá hoặc cần ít vốn đầu tư để ưu tiên thực hiện trước; đối với các xã đã đạt chuẩn NTM thì tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí để phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu.
Qua tổng kết 10 năm xây dựng NTM, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đánh giá: “Đồng Tháp xây dựng NTM với xuất phát điểm hết sức khó khăn, để đạt được kết quả như hôm nay là sự cố gắng không mệt mỏi của các cấp, các ngành, đặc biệt là những người dân cùng chung tay xây dựng NTM, tạo ra diện mạo khởi sắc cho nông thôn tỉnh Đồng Tháp”.
Các cấp ủy đảng thường xuyên kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới
Đảng viên gương mẫu, tiên phong
An Bình B là xã thuần nông của TX.Hồng Ngự, không phải là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh nhưng An Bình B đã tiến hành chủ động triển khai, phối hợp chặt chẽ trong việc vận động nhân dân tổ chức thực hiện các tiêu chí. Đặc biệt, xã không thụ động trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, mà xác định tiêu chí nào thuận lợi thì triển khai, thực hiện trước, tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực trong dân.
Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã An Bình B rất đồng lòng, nỗ lực xây dựng hoàn thiện 19/19 tiêu chí NTM. Điều đáng phấn khởi hơn là cấp ủy đảng quan tâm thực hiện công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, thông qua mô hình “Đảng viên chung tay giảm nghèo do Đảng ủy xã An Bình B phát động đã trao “cần câu” cho hàng chục người dân phát triển kinh tế, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Phúc Nhi - Phó Bí thư Đảng ủy xã An Bình B cho biết: “Mô hình “Đảng viên chung tay giảm nghèo” được thực hiện từ tháng 7/2013 đến nay, đã huy động được gần 230 triệu đồng. Từ nguồn vốn đóng góp của đảng viên trong toàn Đảng bộ xã đã giúp cho 36 hộ vay không hoàn lại với tổng số gần 150 triệu đồng, ngoài ra còn giúp cho 5 hộ cận nghèo mượn số tiền gần 60 triệu đồng để làm chi phí đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Kết quả, kinh tế gia đình của các hộ được xét cho vay vốn được cải thiện đáng kể, vươn lên khá”.
Cụ thể như bà Đoàn Thị Út ngụ ấp 1, xã An Bình B, được xem xét hỗ trợ vay vốn hơn 3 triệu đồng để chăn nuôi. “Gia đình tôi được công nhận thoát nghèo, mừng lắm! Lúc trước, muốn nuôi heo mà không có vốn, được xã xét hỗ trợ vốn, tôi mua heo về nuôi và làm thêm nghề đan ghế nhựa kiếm thêm thu nhập nên có điều kiện chăm lo cho con ăn học” - bà Út phấn khởi cho biết.
Hay như ở huyện Lấp Vò, để thực hiện các giải pháp giảm nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng và thực hiện kế hoạch phân công đảng viên bám trụ cơ sở giúp đỡ hộ nghèo. Cách làm ở huyện Lấp Vò là tuyên truyền, vận động nhằm giúp người nghèo hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của mô hình. Sau đó, phân công đảng viên phụ trách một số hộ nghèo để trực tiếp tư vấn, hỗ trợ hộ nghèo cách làm ăn, cải thiện đời sống.
Cán bộ, đảng viên “Xuống phố, về làng” cùng người dân vệ sinh môi trường ở các xã nông thôn mới
Mô hình đảng viên giúp đỡ hộ nghèo của Đảng ủy xã An Bình B và huyện Lấp Vò tiêu biểu cho tính gương mẫu, tiên phong của đảng viên trong việc giúp đỡ người dân thoát nghèo theo hướng bền vững. Tính chất sâu xa của mô hình là góp phần vào công tác giảm nghèo, thắt chặt sự gắn bó giữa đảng viên với nhân dân. Ông Bùi Văn Thành - Bí thư Huyện ủy Lấp Vò phấn khởi chia sẻ: “Hiệu quả của mô hình mang lại là giúp đỡ được nhiều hộ dân thoát nghèo. Qua đó, phát huy vai trò gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tạo được lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Mô hình đã thể hiện rõ tính gương mẫu, tiên phong của đảng viên trong xây dựng NTM”.
Nhằm phát huy vai trò lãnh đạo, cán bộ, đảng viên thường xuyên đi cơ sở, xuống địa bàn dân cư làm việc để “nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”, Thành ủy Cao Lãnh thực hiện mô hình “Xuống phố, về làng” tạo sự gần gũi mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Bí thư Thành ủy Cao Lãnh Phan Văn Thương đánh giá: “Qua 1 năm thực hiện mô hình “Xuống phố, về làng”, các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện các chương trình hành động của tỉnh, kế hoạch thực hiện nếp sống văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM..., góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng TP.Cao Lãnh đạt đô thị loại II”.
DƯƠNG ÚT