Ấn tượng mưa rừng ở Chiến khu Đ

Cập nhật ngày: 24/09/2012 08:43:01

Trong 2 ngày 20 và 21/9, Hội Nhà báo tỉnh Đồng Tháp tổ chức đoàn đến Đồng Nai giao lưu, tác nghiệp. Đoàn có 24 thành viên gồm: Thường trực hội, Phân xã Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp, Đài PTTH Đồng Tháp, Báo Văn nghệ Đồng Tháp và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp. Đồng chí Phạm Hồng Kiển - Chủ tịch hội làm trưởng đoàn. Điểm đến quan trọng của chuyến đi là Chiến khu Đ - vùng căn cứ cách mạng nổi tiếng một thời với những chiến công lừng lẫy - cách TP.HCM 70km và cách TP. Biên Hòa 40km. Được trải nghiệm mưa rừng trên vùng đất chiến khu xưa là một ấn tượng với nhiều nhà báo quen rong ruổi ở đồng bằng.


Xe bị lầy khi vào di tích Trung ương Cục miền Nam

Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước đã đánh giá: “Chiến khu Đ là một trong những căn cứ địa cách mạng lớn của Nam bộ trên chiến trường miền Đông, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân nhân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Chiến khu Đ đã chịu đựng và vượt qua muôn vàn gian lao thử thách ác liệt của thiên tai, đói rét, bệnh tật và bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù để bảo vệ và giữ vững căn cứ địa, góp phần làm nên truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng” và trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân thù mỗi khi nhắc đến Chiến khu Đ. Trong những trang vàng lịch sử kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Chiến khu Đ là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần chiến đấu, ý chí sắt đá, kiên cường cách mạng của quân và dân ta. Xuyên suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chiến khu Đ không ngừng xây dựng, hoàn thiện, mở rộng, xứng đáng là một trong những căn cứ vững chắc ở miền Nam Thành đồng Tổ quốc và là niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, của quân và dân các tỉnh miền Đông”.

Đoàn của Hội Nhà báo tỉnh lên Chiến khu Đ lần này trúng ngày nhiều mưa. Đi tham quan các khu di tích, các nhà báo càng cảm nhận được những gian nan, vất vả giữa rừng già của các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thời bom, đạn. Sau khi tham quan Khu di tích căn cứ Khu ủy miền Đông (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu), cô hướng dẫn viên cho đoàn biết, đoạn đường vào Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) đang thi công, có một số đoạn rất lầy, ô tô rất khó đi, nhưng các thành viên trong đoàn vẫn quyết định đi. Đúng như lời của cô hướng dẫn viên, xe bị lầy mấy chỗ, mọi người phải xuống xe và đẩy xe vượt lầy. Đến khu di tích (trên đỉnh đồi Bằng Lăng), trước khung cảnh trang nghiêm, ai cũng bồi hồi, xúc động. Sau khi thắp hương tưởng niệm, đoàn được đồng chí Nguyễn Văn Nhân - Trưởng trạm Kiểm lâm, làm nhiệm vụ của người hướng dẫn viên dẫn đi tham quan di tích các cơ quan của Trung ương Cục miền Nam giữa rừng khi cơn mưa chưa tạnh hẳn, đem đến cho mọi người nhiều cảm xúc về một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, về những liệt sĩ còn nằm lại nơi đây,... Xen vào những câu chuyện lịch sử, nhà báo Nguyễn Văn Thi - Trưởng Phân xã Đồng Tháp, người đã từng tham gia kháng chiến ở Chiến khu R (Tân Biên, Tây Ninh), lưu ý mọi người: “Trời mưa, tối như thế này, những con vắt thường từ trong những lá cây rừng phóng vào người”. Các phóng viên trẻ tỏ ra vừa hơi sợ, vừa muốn biết con vắt như thế nào. Cả đoàn đang miên man theo dòng cảm xúc, thì nhà báo Nguyễn Văn Thi bất ngờ cho hay bị vắt đeo vào tay rồi. Mọi người đến quanh anh nhìn con vắt và tự kiểm tra xem mình có bị dính vắt không, thì có thêm 2 người nữa bị vắt tiếp cận hồi nào không hay.

Do thời gian ngắn, các thành viên trong đoàn tranh thủ ghi chép, chụp ảnh, quay phim các di tích. Dù biết còn nhiều điều phải hỏi, nhưng trời sắp tối, đoàn phải tạm biệt căn cứ. Trên đường về, cơn mưa rừng vẫn đang nặng hạt. Nhìn những cây cổ thụ, những khúc đường quanh co, vắng vẻ và nghĩ những câu chuyện có thật về đất và người trở thành những huyền thoại, giai thoại hay như: chiến sĩ thương binh Bùi Xuân Tảo vừa bị cưa tay bằng cưa thợ mộc vừa hát Tiến quân ca; tướng cướp rừng xanh Chín Quỳ trở thành chiến sĩ cộng sản kiên trung; chuyện ở khu di tích chưa có điện, khi cần phải chạy máy phát điện, nên đêm cán bộ, nhân viên chỉ xem ti vi đến khoảng 9 giờ phải tắt máy phát điện, ngủ;... ai cũng lắng động. Chiến khu Đ - một thời oai hùng, đã và đang phát triển đi lên từng ngày, nhất là các dự án bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, phát triển du lịch sẽ làm rạng ngời thêm truyền thống anh hùng.

Ngoài Chiến khu Đ, đoàn của Hội Nhà báo tỉnh Đồng Tháp còn đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, tham quan, tác nghiệp tại Bảo tàng Đồng Nai và Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hòa, Đồng Nai).

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn