Bàn về hiện tượng xói mòn niềm tin

Cập nhật ngày: 09/06/2021 08:11:32

Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã nhận định tình hình trong Đảng và cho rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi” (Văn kiện, Tập I, Trang 95). Đây là một trong những nguyên nhân và là nguyên nhân gốc dẫn đến xói mòn niềm tin trong các tầng lớp Nhân dân. Thực trạng này bị kẻ xấu và các thế lực thù địch khai thác triệt để hòng làm mất niềm tin trong dân chúng. Và ai ai cũng thấu hiểu “mất niềm tin là mất tất cả”. Vì vậy, mỗi người cần nhận thức đúng và tránh trượt theo “vết xe đổ”.

Các sự kiện xã hội thời gian vừa qua và gần đây cho thấy, không ít người có biểu hiện “nhạt” niềm tin, không muốn nói bị “khủng hoảng” niềm tin. Khoảng thời gian trước đây, khi dư luận đề cập chuyện một cán bộ, đảng viên nào đó dính vào vụ tiêu cực, người nghe còn bán tín bán nghi nhưng giờ thì họ đã khẳng định ngay: chẳng qua “bị lộ”. Trong tất cả lĩnh vực và ngay việc làm từ thiện cũng không được “thiện”. Ở bất cứ giới nào từ giới “tinh hoa”, “công lý”, “từ mẫu”, “mẹ hiền”, những “sao” đến những người “nương bóng từ bi”... cũng có thể phạm pháp, vi phạm đạo đức. Ngoại trừ những người tìm kiếm thông tin để phân tích mà hiểu sự đời, khá nhiều thấy thích thú vì biết được bí mật xấu xa của những thần tượng. Một trạng thái khác và ngược lại, một số người tin vào những điều không thể tin được (hoàn toàn không có một “tí” cơ sở khoa học). Trạng thái thiếu tin và “tin” nói trên đều là dấu hiệu của mất niềm tin.

Có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến và làm “nóng” lên sự việc phẳng lặng, ẩn sâu của “tảng băng” chìm ấy. Khác hẳn với trước đây, hiện nay mạng xã hội là phương tiện cập nhật và lan truyền nhanh, mức độ rộng đối với các vụ việc. Mặt khác, khai thác lợi thế này, những kẻ xấu và các thế lực thù địch làm đậm, khoét sâu, gán ghép, dựng chuyện... làm “loạn” thông tin nhằm làm cho người xem, người đọc ngờ vực và đi đến mất niềm tin. Điểm mấu chốt thông tin của các thế lực thù địch chính là sự quy kết. Lấy một vài sự việc cho là toàn bộ, vài hiện tượng cho là bản chất... và từ đây, họ đòi xóa bỏ Đảng, thay đổi chế độ chính trị.

Với sự nhìn nhận và phân tích khoa học, niềm tin bị xói mòn hay phai nhạt trong Đảng và xã hội là một thực tế và thực tế này có nguyên nhân từ việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa có hiệu lực và hiệu quả. Ai cũng biết, Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Theo đó, cán bộ, đảng viên là những người tiên phong dẫn dắt xã hội. Có câu: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” có thể bao hàm được mặt tích cực lẫn tiêu cực của nó. Về mặt tích cực, người dân thừa nhận cán bộ, đảng viên là “cốt cán”, nòng cốt các phong trào hành động cách mạng đã và đang làm thay da đổi thịt đất nước ta. Và cũng rõ là: “nhà dột từ nóc”. Những khiếm khuyết, lệch lạc của xã hội bắt nguồn từ nội bộ Đảng. Theo đó và với nhận thức này, bên cạnh việc vạch mặt, tấn công các thế lực thù địch và cảnh giác với kẻ xấu, Đảng và Nhà nước cần thực hiện tốt các giải pháp, biện pháp xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để sao cho mỗi cán bộ, đảng viên là tấm gương sáng cho người dân noi theo. Bài học từ một số đảng và Nhà nước đã tan vỡ chính trị chỉ ra rằng: không ai đánh đổ được trừ khi tự đánh đổ. Do vậy, việc “...xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ...” (Văn kiện, Tập I, Trang 119) đang trở nên quan trọng và cấp thiết. Đây chính là nhân tố đảm bảo củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước và là cơ sở cho xã hội phát triển hài hòa, lành mạnh, tiến bộ.

Theo diễn tiến những bước thăng trầm của sự nghiệp cách mạng, niềm tin trong Đảng và xã hội cũng đã từng xuất hiện tình trạng tăng giảm. Khi đứng trước những gian khó và khủng hoảng, Đảng đã “tự chỉ trích”, “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” và từ đó hiểu rõ quy luật hơn, thấu hiểu trách nhiệm để vững vàng lãnh đạo cả dân tộc tiếp tục cuộc hành trình. Chính hành trình ấy đã đưa: “Đất nước ta... có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” và đang tiếp tục theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn