Cần giải bài toán quy hoạch, nghiên cứu thị trường để phát triển kinh tế đêm

Cập nhật ngày: 05/06/2024 18:54:52

Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm trước hết các địa phương cần giải bài toán về quy hoạch, xác định địa điểm phát triển và nghiên cứu kỹ thị trường cũng như chính sách, chế độ cho những người tham gia.


Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu (ẢNH: DUY LINH)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 5/6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn về những nội dung: công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Xây dựng sản phẩm dựa trên văn hóa địa phương để phát triển kinh tế đêm

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, du lịch đêm là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay, loại hình này vẫn còn đơn điệu, chưa đặc sắc nên không thu hút được đông đảo du khách, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Bà Hương đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Thực hiện Quyết định 1129 của Thủ tướng về phê duyệt đề án kinh tế đêm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn 12 tỉnh, thành phố phát triển một số sản phẩm du lịch đêm. Các địa phương này phát triển kinh tế, sản phẩm du lịch đêm theo mô hình phát triển các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí...


Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu. (ẢNH: DUY LINH)

Nhìn nhận khách quan, Bộ trưởng đánh giá: Hiện nay, một số sản phẩm du lịch đêm đã được các địa phương xây dựng với mục tiêu đưa “công nghiệp xanh” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Có thể kể đến các "Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học", "Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm", "Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình" ,"Quận 1 - Sắc màu đêm"...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây vẫn là vấn đề “mới và khó” bởi du lịch là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều cấp, ngành. Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm, các địa phương trước hết cần giải quyết khâu quy hoạch, xác định điểm phát triển và đặc biệt quan tâm nghiên cứu phát triển thị trường.

“Muốn làm được thì phải dựa trên các yếu tố về quy hoạch. Tôi biết nhiều chuyên gia kinh tế đã về các địa phương để làm nhưng cũng đang khó và đang nỗ lực, chứ không đơn giản là ngày một ngày hai”, Bộ trưởng nói.

Về việc nghiên cứu thị trường, Bộ trưởng lưu ý, sản phẩm du lịch đêm còn phụ thuộc vào thị hiếu, tập quán, thói quen, nhu cầu của nhiều loại khách nên phải phân tầng, phân nhóm, phân hạng. Bộ trưởng cho biết, sau khi tìm hiểu một số sản phẩm du lịch đêm của một số nước, họ chọn theo phân khúc thị trường để triển khai và cũng chỉ làm ở những điểm trọng yếu.

"Một trong những nguyên lý của thị trường là bán cái mà người ta cần chứ không phải bán cái chúng ta có. Muốn làm nhưng làm ra không ai dùng thì cũng rất khó", người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch lý giải.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý cần bảo đảm chính sách, chế độ cho những người tham gia như diễn viên, lực lượng an ninh… Đây được coi là những giải pháp căn cơ để tránh tình trạng “không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ” gây lãng phí.

Dẫn thí dụ, khu ẩm thực của Hà Nội trước đây rất sầm uất nhưng giờ không có khách nữa, Bộ trưởng cho biết, hướng tiếp cận là các địa phương cần chủ động nghiên cứu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham gia, gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa bản địa để thiết kế, tạo thêm trải nghiệm cho du khách; xem xét nhu cầu mở thêm các cửa hiệu mua sắm, đưa thêm các gói sản phẩm. Bộ trưởng gợi mở, các tỉnh có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, sản phẩm ẩm thực... Làm được những việc này, Bộ trưởng tin tưởng sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu và thành công hơn.

Giải đáp chất vấn của đại biểu Châu Quỳnh Giao (Đoàn tỉnh Kiên Giang) về thực trạng một số công trình, sản phẩm du lịch có hiện tượng sao chép đặc trưng văn hóa nước ngoài, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, theo Nghị quyết 82, Chỉ thị 08 của Thủ tướng, sản phẩm du lịch phải độc đáo, giá cạnh tranh và có tính liên kết để phát triển. Thực hiện định hướng chính sách này, ngành du lịch vừa qua đã phát triển tích cực với sản phẩm đa dạng hơn.


Đại biểu Châu Quỳnh Giao chất vấn tại phiên làm việc chiều 5/6 (Ảnh: DUY LINH)

Nhấn mạnh, các sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn đang trong quá trình hình thành, Bộ trưởng cho rằng, không nên quá khắt khe vì đó là những sản phẩm giao lưu văn hóa chứ không phải bắt chước. Người đứng đầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch nhận định: “Chúng ta nên tiếp thu những gì tiến bộ của các nước để làm giàu thêm cho văn hóa Việt Nam”.

Bộ trưởng cũng thông tin thêm với Quốc hội: Trong 5 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đã đón 7,6 triệu khách quốc tế, hơn 50 triệu lượt khách nội địa.

Cần có chính sách cho những “người giữ hồn” nghệ thuật truyền thống

Nêu chất vấn, đại biểu Trần Quốc Quân (Đoàn Long An) cho rằng: Các loại hình biểu diễn nghệ thuật dân gian, truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Việc triển khai các chính sách bảo tồn nghệ thuật truyền thống còn khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đảng, Nhà nước quan tâm đến việc gìn giữ, phát triển nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều địa phương, nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ đóng cửa. Còn tại Trung ương, các đoàn nghệ thuật cũng khó khăn khi phải tự chủ một phần hoặc toàn phần. Nhiều đoàn nghệ thuật và điều kiện để các diễn viên sinh hoạt gặp khó khăn, các bộ môn tuồng, chèo, cải lương gặp khó trong tuyển dụng.


Đại biểu Trần Quốc Quân (Đoàn Long An) đặt ra vấn đề gìn giữ, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống trước Quốc hội (Ảnh: DUY LINH)

Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần đào tạo diễn viên các loại hình nghệ thuật truyền thống theo năng khiếu, phát triển các loại hình du lịch theo hướng nghệ thuật đỉnh cao và có chính sách tài chính phù hợp cho các đoàn nghệ thuật truyền thống.

Bên cạnh đó, rất cần có chính sách cho nghệ nhân - những người giữ hồn, giữ lửa của nghệ thuật truyền thống. Cùng với đó, các địa phương nên tập trung kết nối sản phẩm nghệ thuật truyền thống và du lịch để tạo hiệu ứng lan tỏa, giải quyết bài toán kinh tế trong văn hóa.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) đưa ra vấn đề nhiều di sản đang bị khai thác quá mức dẫn tới tình trạng quá tải, lộn xộn, đặc biệt trong dịp lễ hội đầu năm.


Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) đưa ra vấn đề nhiều di sản đang bị khai thác quá mức dẫn tới tình trạng quá tải, lộn xộn, đặc biệt trong dịp lễ hội đầu năm (Ảnh: DUY LINH)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Di sản văn hóa là báu vật của thiên nhiên và cha ông kiến tạo qua hàng nghìn năm. Quan điểm chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là bảo tồn, phát huy và biến di sản bằng tài sản nhưng không đánh đổi để thu hút du lịch. Do đó, Bộ trưởng lưu ý các địa phương được giao quản lý di tích, di sản phải có chương trình hành động đi kèm để bảo tồn, phát huy di sản.

"Các tỉnh cần tôn trọng các cam kết, phương án bảo tồn di tích, di sản sau khi đã được công nhận. Ngành du lịch cũng phải xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản", Bộ trưởng nói.

Mỗi địa phương cần phát triển sản phẩm du lịch riêng

Trả lời các đại biểu về giải pháp thúc đẩy liên kết du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thể chế trong lĩnh vực du lịch đã khá đồng bộ. Việc các địa phương cần làm là bám sát các quy định, có quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, cũng như phát huy vai trò, hoạt động của vùng.

"Mỗi địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm du lịch riêng và liên kết với các địa phương khác. Nhà nước sẽ định hướng về chủ trương, còn sự sáng tạo của doanh nghiệp, người dân", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chú trọng thị trường nội địa 100 triệu dân, xem du lịch nội địa là bệ đỡ. Du lịch cần đi trên cả hai chân - dựa vào cả du lịch quốc tế và trong nước. Hiện, tỷ trọng du lịch quốc tế là 55%, trong nước khoảng 45%. Về lâu dài, tỷ lệ này cần cân đối 50 - 50 để Việt Nam có nền du lịch bền vững.

Theo SƠN BÁCH (NDO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn