Cao Lãnh - Phấn đấu trở thành huyện anh hùng thời kỳ đổi mới
Cập nhật ngày: 02/10/2020 12:05:04
ĐTO - Tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cao Lãnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 8/10/2015 về việc phấn đấu xây dựng huyện Cao Lãnh đạt danh hiệu “Anh hùng Lao động” giai đoạn 2015 – 2020. Đến nay, diện mạo của địa phương ngày càng thay đổi, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao.
Đồng chí Huỳnh Thị Hoài Thu - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh (thứ 5, từ trái sang) tặng Thư khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị
Khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp
Trong 10 năm qua (2009 – 2019), kế thừa và phát huy những thành tích xuất sắc của các nhiệm kỳ trước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cao Lãnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trong về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, cải cách hành chính... Theo đó, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh trên địa bàn, huyện Cao Lãnh đã tập trung vận động nông dân sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đến nay, lúa chất lượng cao đạt 84,3% diện tích, cây ăn quả trên 400ha.
Cơ cấu kinh tế của huyện Cao Lãnh đã chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ hàng năm. Diện tích cây lúa đến năm 2019 là 88.235ha (tăng 22.687ha), sản lượng đạt 577.939 tấn (tăng 198.356 tấn), trong đó lúa chất lượng cao đạt 70.269ha (tăng 20.832ha) so với năm 2009, là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về sản lượng lương thực. Đối với cây ăn quả, đến năm 2019 toàn huyện có 5.465ha, nhiều diện tích vườn sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài Cát Chu Cao Lãnh” cho Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ Xoài xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh.
Địa phương tập trung xây dựng cảnh quan, môi trường, cơ sở hạ tầng đô thị cũng như bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Kết quả đến nay, toàn huyện Cao Lãnh có 14/17 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và phấu đấu đến năm 2020 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Mỹ Thọ đạt chuẩn Đô thị loại IV và Trung tâm xã Mỹ Hiệp đạt chuẩn Đô thị loại V. Ngoài ra, huyện còn đầu tư xây dựng 25 cụm, tuyến dân cư để bố trí cho 4.606 hộ dân vào ở ổn định và xây dựng 2 tuyến dân cư tập trung gắn với quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh.
Trên địa bàn huyện đã hình thành các khu, điểm du lịch như: khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, khu du lịch Xẻo Quýt, Chùa Bửu Lâm (xã Bình Hàng Trung), điểm tham quan vườn xoài xã Mỹ Xương, vườn trái cây Mỹ Nữ (xã Bình Hàng Tây), điểm dừng chân Minh Phát (xã Mỹ Long), vườn Táo Út Nhàn xã Tân Nghĩa, vườn trái cây Út Thành xã Phong Mỹ... Các thiết chế văn hóa, hình ảnh địa phương, cảnh quan nông thôn được quảng bá và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Việc khai thác dựa trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương, thu hút nhiều du khách đến tham quan, bình quân hàng năm tiếp đón khoảng 300.000 lượt khách (trong đó có trên 4.000 lượt khách quốc tế).
Ông Lê Chí Thiện - Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2009 - 2019 đạt 8.007,910 tỷ đồng (tăng 638,553 tỷ đồng) so với năm 2009. Thành quả quan trọng nhất trong 10 năm qua là thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, năm 2019 đạt 47,8 triệu đồng/người/năm (bằng 3,8 lần) so với năm 2009. Đặc biệt, giá trị kinh tế từ kết quả đạt được trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch... đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương khá nhanh và bền vững.
Xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” trong thời kỳ đổi mới vào năm 2013
Nâng cao đời sống người dân
Mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Cao Lãnh được quy hoạch, sắp xếp hợp lý, cơ sở vật chất được tập trung đầu tư theo hướng chuẩn Quốc gia. Phương pháp dạy và học tiếp tục được đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, công nghệ thông tin được triển khai ứng dụng trong trường học, nhất là việc sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy. Từ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp đều tăng, học sinh bỏ học giảm, số học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng, góp phần nâng cao nguồn nhân lực cho xã hội.
Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, huyện có 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Công tác chăm sóc người có công và trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm thường xuyên. Tổ chức thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa cho trên 5.000 gia đình có công, đồng thời vận động đóng góp quỹ Đền ơn đáp nghĩa số tiền trên 4.604 triệu đồng; xây dựng, sửa chữa 1.191 căn nhà tình nghĩa, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho đối tượng gia đình chính sách.
Cao Lãnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, tạo thêm việc làm mới cho 81.306 lượt lao động, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 4,1%. Đặc biệt, huyện quan tâm sâu sát trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó đã vận động 1.023 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng với giá trị tăng thêm 260,1 tỷ đồng. Với phương châm “Đi làm thuê - về làm chủ”, trong những năm qua, huyện có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng trở về địa phương đã mở cửa hàng, thành lập doanh nghiệp và kinh doanh hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh Nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững mạnh. Việc tuyển quân, tuyển sinh đều đạt và vượt chỉ tiêu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo ổn định, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được xây dựng rộng khắp, hoạt động có chiều sâu. Các mô hình bảo đảm an ninh gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên cho Nhân dân. Xây dựng các mô hình “Tổ dân phòng liên kết” “Tổ Nhân dân tự quản”, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình hẹn giờ tại nhà, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời đơn giản hóa và niêm yết công khai các thủ tục hành chính, cùng với tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, giải quyết kịp thời các mối quan hệ hành chính giữa Nhà nước với tổ chức và công dân, xây dựng chính quyền thân thiện và thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ công dân.
Nông dân huyện Cao Lãnh đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa
Sau Đại hội Đảng bộ huyện Cao Lãnh lần thứ IX (2005 - 2010), Đảng bộ đã quán triệt và triển khai phương châm “Đưa Nghị quyết vào cuộc sống”, tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động. Đầu nhiệm kỳ 2010 – 2015, Đảng bộ huyện xây dựng Nghị quyết phát triển toàn diện kinh tế – xã hội huyện nhà. Trong đó, xác định hình thành hệ thống giao thông nông thôn là khâu đột phá, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bằng quyết tâm chính trị trong toàn Đảng bộ, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, Huyện ủy và UBND huyện Cao Lãnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện có hiệu quả việc huy động mọi nguồn lực để xây dựng các hệ thống thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch, trường học và xây dựng đô thị với tổng số 521 công trình, có 281 công trình giao thông, chiều dài 511km. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 22.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước xây dựng hạ tầng nông thôn trên 1.840 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 131 tỷ đồng. Đặc biệt chủ trương xây dựng hệ thống đê bao kết hợp giao thông nông thôn vừa bảo vệ sản xuất lúa và vườn cây ăn quả, vừa phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa của nông dân, huyện đầu tư xây dựng nâng cấp 200 bờ bao bảo vệ lúa, vườn. Trong đó, bờ bao vườn có 25 công trình với tổng kinh phí ngân sách đầu tư ước tính 116,816 tỷ đồng, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người dân địa phương.
|
DŨNG CHINH