Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Cập nhật ngày: 26/10/2020 10:40:07

ĐTO - Việc sinh hoạt chi bộ ấp, khóm có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03 về nâng cao chất lượng hoạt động đảng bộ xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Nghị quyết 03), trong đó tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ấp, khóm. Nghị quyết đã đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp, nổi bật nhất là chủ trương thí điểm bố trí kiêm nhiệm chức danh Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng ấp, khóm; Phó Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, khóm. Qua thực hiện Nghị quyết số 03, tỉnh quyết định nhân rộng mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng ấp, khóm; Phó Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, khóm. Đến cuối năm 2019, Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng ấp, khóm; Phó Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, khóm.


Chất lượng sinh hoạt của Chi bộ ấp Hưng Thạnh Đông (Đảng ủy xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò) được nâng cao sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy

Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở 6 lớp bồi dưỡng với gần 700 học viên là Bí thư đồng thời Trưởng ấp, khóm với các chuyên đề về nghiệm vụ công tác xây dựng đảng ở cơ sở, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, kỹ năng điều hành sinh hoạt chi bộ. Từ đó, giúp cho các đồng chí Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng ấp (khóm) nhận biết rõ và thực hiện tốt giữa nhiệm vụ Bí thư với Trưởng ấp (khóm). Tỉnh chủ trương thực hiện chuyển đảng viên công tác tại xã, phường, thị trấn về sinh hoạt Đảng tại chi bộ khu dân cư. Đây là những đảng viên có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị tốt, được chi bộ phân công, đảm nhận nhiệm vụ của chi bộ phù hợp với chuyên môn đang công tác. Một số nơi đã mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ, không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn về làm Bí thư đồng thời là Trưởng ấp, khóm nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân; truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân ở cơ sở.

Ban Tổ chức tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 22 về chương trình, nội dung sinh hoạt chi bộ. Qua đó thống nhất hình thức, nội dung, thủ tục sinh hoạt chi bộ cho tất cả các loại hình chi bộ. Báo cáo chi bộ hằng tháng được mẫu hóa, biểu chấm điểm sinh hoạt chi bộ được lượng hóa cụ thể. Với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy trong việc triển khai thực hiện các chủ trương trên, chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều đổi mới tích cực. Vai trò, trách nhiệm của từng chi ủy viên và nhất là đồng chí Bí thư chi bộ được phát huy trong việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Bên cạnh đó, vai trò của các chi, tổ, hội, Ban công tác Mặt trận, Ban Nhân dân ấp, khóm được phát huy, nhất là việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, những vấn đề mà quần chúng quan tâm, đánh giá kết quả hoạt động theo từng lĩnh vực. Từ đó, giúp chi ủy đánh giá đầy đủ các mặt công tác ở khu dân cư. Thời gian tổ chức sinh hoạt chi bộ được phần lớn các cấp ủy cơ sở đề ra cố định hằng tháng, riêng một số nơi mạnh dạn tổ chức sinh hoạt chi bộ vào ngày thứ Bảy, chủ Nhật hoặc vào buổi tối để không làm ảnh hưởng đến thời gian công tác, sản xuất, kinh doanh của đảng viên. Thời gian sinh hoạt chi bộ được hướng dẫn cụ thể (không dưới 90 phút đối với sinh hoạt chi bộ thường kỳ, không dưới 120 phút khi kết hợp sinh hoạt chuyên đề) nhằm tạo điều kiện để chi bộ thảo luận, tranh luận làm rõ ưu điểm, hạn chế một cách dân chủ. Từ đó tìm ra nguyên nhân và giải pháp thực hiện, khắc phục tình trạng sinh hoạt theo kiểu qua loa, chiếu lệ.

Việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết chi bộ hằng tháng đi vào thực chất hơn. Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng tháng và kết quả đảng viên thực hiện nhiệm vụ do chi ủy, chi bộ phân công để lựa chọn những vấn đề cần thiết đưa ra chi bộ thảo luận, tranh luận. Nhiều nơi thực hiện tốt việc gợi ý kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân còn hạn chế, khuyết điểm để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Từ đó chất lượng các ý kiến tham gia có chất lượng hơn. Sinh hoạt tư tưởng, thông tin thời sự và triển khai văn bản cấp trên có tính giáo dục cao. Trong họp chi bộ, sinh hoạt chuyên đề cũng có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục hạn chế trong việc lựa chọn chuyên đề sinh hoạt phù hợp với đặc điểm tình hình cũng như những vấn đề đảng viên chi bộ quan tâm như: gương người tốt, việc tốt, mô hình mới, cách làm hay, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh... giúp đảng viên tiếp cận nhiều kiến thức, kinh nghiệm mới bước đầu khắc phục tình trạng “nặng về phần học, nhẹ về phần làm”. Một số nơi mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong hình thức sinh hoạt chuyên đề như: tổng hợp các chuyên đề hay để giới thiệu và chia sẻ trong đảng bộ, sân khấu hóa, thuyết trình có minh họa bằng hình ảnh, phim tư liệu. Song song đó, công tác đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ là nội dung quan trọng trong sinh hoạt chi bộ hằng tháng, là thước đo phản ánh chất lượng sinh hoạt cho mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ. Nội dung này luôn được chi bộ tổ chức thực hiện đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn