Có thể không thành lập Văn phòng thuộc sở

Cập nhật ngày: 18/09/2020 09:55:35

ĐTO - Chính phủ đã ban hành Nghị định 107 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 ngày 4/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, cơ cấu tổ chức của sở, gồm: Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Thanh tra (nếu có); Văn phòng (nếu có); Chi cục và tổ chức tương đương (nếu có); Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có). Tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở: có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở; khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 7 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; tối thiểu 6 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 5 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

Trường hợp không thành lập Văn phòng thuộc sở thì giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng. Nghị định này quy định, bình quân mỗi sở có 3 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, ngoài số lượng Phó Giám đốc theo quy định và tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.

Về số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở,
ở TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trưởng phòng. Phòng thuộc sở của TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh có từ 10 - 14 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 9 - 14 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 8 - 14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng. Phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 Phó Trưởng phòng.

Nghị định này quy định về các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương như: Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và về một số lĩnh vực đặc thù khác. Cụ thể như Sở Ngoại vụ làm tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ và công tác biên giới lãnh thổ quốc gia (đối với những tỉnh có đường biên giới). Sở Ngoại vụ được thành lập khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau: có cửa khẩu quốc tế đường bộ; có cửa khẩu quốc tế đường hàng không; có cảng biển quốc tế; có từ 500 dự án đầu tư nước ngoài trở lên (hoặc có tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 100.000 tỷ Việt Nam đồng) đang hoạt động tại địa phương, có trên 4.000 người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại địa phương, có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt từ 100.000 tỷ Việt Nam đồng trở lên, đã ký kết thỏa thuận về hợp tác quốc tế với 5 địa phương trở lên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2010.

T.T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn