Để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững

Cập nhật ngày: 12/09/2012 07:34:15

Từ những kết quả đạt được, sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của BCHTW (khóa IX) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong thời gian tới, Đảng bộ đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện để nền kinh tế tiếp tục phát triển.


Giai đoạn 2007-2011, nền kinh tế của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 13,9 %/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 480,71 triệu USD/năm; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh liên tục tăng. Hoạt động văn hóa - xã hội có tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quan hệ đối ngoại có bước phát triển mới. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém, như nguồn lực chưa đủ đáp ứng tốt nhu cầu phát triển; môi trường đầu tư của tỉnh có bước cải thiện nhưng chưa thật sự thu hút doanh nghiệp (DN), năng lực cạnh tranh của các DN còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, nhiều nơi còn yếu kém, chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành Nông nghiệp chậm; còn thiếu lao động có tay nghề, tính chuyên nghiệp, làm hạn chế việc mở rộng quy mô sản xuất của các DN; kinh tế biên giới chưa phát huy hiệu quả tích cực...

Trong thời gian tới, toàn tỉnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để nền kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững. Cần tăng cường công tác tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, các nội dung liên quan đến cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO đến cán bộ, công chức và DN. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch; rà soát và điều chỉnh các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn phù hợp với tình hình mới.

Đối với nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ, công chức. Triển khai thực hiện những chương trình đào tạo, tập huấn chuyên đề về WTO và hội nhập dành cho các DN và doanh nhân như: bảo hộ và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thuế quan và các hàng rào kỹ thuật trong xuất nhập khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá... Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; thực hiện tốt công tác vận động, chuẩn bị thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) vào phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực, các dịch vụ hạ tầng xã hội như giáo dục phổ thông, y tế; huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, phát triển dịch vụ; thực hiện tốt quy hoạch phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn. Phát triển du lịch sinh thái, lễ hội và các ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống và tăng trưởng kinh tế. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu; huy động mọi nguồn lực xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các các vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, hình thành DN cổ phần sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và dịch vụ nông thôn. Thúc đẩy hình thành các mối liên kết giữa nông dân với DN chế biến và DN kinh doanh thương mại. Tăng cường chất lượng công tác khuyến nông, cung cấp cho lao động nông thôn các kỹ năng, kiến thức và thông tin về canh tác, con giống, thị trường tiêu thụ. Bảo đảm phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; triển khai một số dự án trọng điểm về sản xuất nông nghiệp như kiên cố hóa kênh mương, cải tạo công trình thủy lợi, đê bao kết hợp giao thông nông thôn và vận chuyển nông sản.

Bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc. Tuyên truyền nếp sống văn hóa, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị truyền thống; đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, cùng với ngân sách nhà nước để đầu tư cho giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao và các lĩnh vực xã hội khác. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo, tạo việc làm, phòng chống tệ nạn xã hội, tạo điều kiện cho các DN, làng nghề đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội cần tiếp tục đảm bảo; duy trì thường xuyên phong trào vận động quần chúng đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm, các tệ nạn xã hội. Tạo môi trường xã hội ổn định cho phát triển kinh tế và hội nhập. Nâng cao nhận thức và thái độ chính trị của người dân đối với vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế; ngăn ngừa các luận điệu tuyên truyền, phá hoại của các thế lực thù địch về chính sách của Đảng, Nhà nước. Quan tâm giải quyết thỏa đáng khiếu nại, tố cáo của công dân.

Muốn xây dựng và phát triển nền kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ hội nhập, cần có sự đồng lòng và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên, trong đó tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh Đồng Tháp lần thứ IX đã đề ra.

Đồng Dao

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn