Đồng Tháp - 40 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật ngày: 10/02/2016 07:22:10

Mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân – 2016 năm nay, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh cũng rất vui mừng tham gia các hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp được thành lập (tháng 2/1976) trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong cũ, đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử đấu tranh, xây dựng, phát triển của quân và dân tỉnh nhà.


Đồng chí Trần Anh Điền - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (người mặc áo đen) và đồng chí Lê Tính - Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, khởi công tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng - Đồng Tháp - Long An (năm 1977)

Trải qua 40 năm, mặc dù ở điểm xuất phát thấp so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Nam bộ nói chung, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp không ngừng nỗ lực vươn lên về mọi mặt, làm thay đổi diện mạo của một tỉnh vốn thuần nông, biến vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành những cánh đồng lúa bát ngát cho năng suất cao, đưa Đồng Tháp trở thành vựa lúa trọng điểm của cả nước; tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Những thành tựu to lớn, toàn diện của Đồng Tháp đạt được trong 40 năm qua là rất đáng trân trọng, tự hào, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp, đã không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, nỗ lực phấn đấu vươn lên “cùng cả nước và vì cả nước”. Báo Đồng Tháp xin giới thiệu một số sự kiện tiêu biểu, thành tựu nổi bật của tỉnh 40 năm qua, do biên tập viên của Báo chọn lọc.

1. Tiến công khai thác Đồng Tháp Mười (ĐTM)

Trong 30 năm (1979-2009), các giai đoạn thực hiện công cuộc phục hóa, khai hoang vùng ĐTM, từng bước được Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp hoạch định, điều hành, chủ động về chủ trương, chính sách và mục đích. Với khẩu hiệu: “Tiến công vào vùng Đồng Tháp Mười” làm tiền đề cho những phương án, chương trình khai thác ĐTM trong các giai đoạn sau này, như: khai thác ĐTM để phát triển kinh tế - xã hội; khai thác ĐTM theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với những thành tựu đạt được, đã dần dần xóa bỏ khoảng cách phát triển giữa vùng sâu ĐTM với các vùng khác trong tỉnh.

2. Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được xếp hạng Di tích Quốc gia

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được khởi công vào ngày 22/8/1975, hoàn thành và đưa vào hoạt động ngày 13/2/1977, với diện tích 3,6ha, gồm các hạng mục như: Mộ, Vòm mộ, Đài sen, Nhà trưng bày về cụ Nguyễn Sinh Sắc; Phòng trưng bày về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nhà sàn Bác Hồ... Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành địa điểm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách trong nước và nước ngoài đến viếng, tham quan, học tập, vui chơi, giải trí mỗi năm. Với tầm vóc và giá trị lịch sử, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

3. Đồng Tháp được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Đồng Tháp đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, chiến đấu 3.465 trận, diệt và làm bị thương 32.940 tên địch,... Toàn tỉnh có 17.263 liệt sĩ, 7.295 thương binh, 64.252 người tham gia kháng chiến. Có 553 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 34 tập thể, 27 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Với những hy sinh, đóng góp và những chiến công oai hùng, ngày 2/10/2000, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Đồng Tháp.

4. Imexpharm là Công ty Dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN đầu tiên của Việt Nam

Tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp Dược Đồng Tháp (1983), sau khi trở thành Công ty Dược phẩm (1992), đến nay Công ty đã không ngừng phát triển theo hướng bền vững và lâu dài. Tháng 6/1997, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm được Bộ Y tế công nhận đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN. Mọi hoạt động liên quan đến việc sản xuất, từ việc chọn lựa nguyên liệu đầu vào, tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng trong toàn thể quá trình sản xuất, đóng gói và phân phối sản phẩm luôn theo quy định sản xuất thuốc tốt (GMP) theo tiêu chuẩn Châu Âu thực hành sản xuất thuốc tốt.

Sự kiện này đã giúp cho Công ty mạnh dạn sang Châu Âu tìm kiếm con đường phát triển mới. Đến nay, Imexpharm đã gặt hái được nhiều thành công. Là Công ty dược phẩm đầu tiên của Việt Nam thực hiện sản xuất nhượng quyền cho tập đoàn, công ty lớn của Châu Âu (Biochemie).

5. Đồng Tháp đứng hạng nhất cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Từ năm 2008 - 2015, chỉ số PCI của tỉnh luôn đứng trong top 5 của cả nước; đặc biệt là năm 2012 Đồng Tháp đã vươn lên đứng hạng nhất toàn quốc với 63.79 điểm.

Thứ hạng PCI đã đưa thông điệp đến các nhà đầu tư một cách trực tiếp nhất. Từ đó, Đồng Tháp có nhiều doanh nghiệp đến với mình, cơ hội phát triển kinh tế ngày càng cao.

6. Đồng Tháp tiên phong trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Năm 2012, Tỉnh ủy Đồng Tháp chủ trương xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyên môn hóa, tạo việc làm ổn định, chuyển dịch một bộ phận lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn.

Kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, tỉnh đã thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn liên kết sản xuất vùng, liên kết sản xuất với doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị trong sản xuất, nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã.

7. Khởi công xây dựng cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối liền huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) được khởi công vào ngày 10/9/2013 với tổng mức đầu tư trên 271 triệu USD từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền nối liền TP.Cao Lãnh và huyện Lấp Vò được khởi công vào ngày 19/10/2013 có giá trị 145 triệu USD do Chính phủ Australia viện trợ vốn không hoàn lại và vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Khi 2 dự án trên đưa vào sử dụng (dự kiến hoàn thành vào năm 2017) sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho tỉnh Đồng Tháp và TP.Cần Thơ, mà còn nối kết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại với nhau, tạo động lực cho liên kết vùng.

8. Tổ chức thành công Giải vô địch Đá cầu thế giới

Giải vô địch Đá cầu thế giới lần VII - 2013 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người hâm mộ thể thao trong nước và thế giới. Giải quy tụ nhiều quan chức, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên đến từ 12 Quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đoàn vận động viên Việt Nam (trong đó có nhiều tuyển thủ người Đồng Tháp) đã bảo vệ thành công ngôi vô địch thế giới.

9. Hoàn thành công tác Phân giới cắm mốc tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp – Preyveng (Campuchia)

Tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp đối diện với tỉnh Prâyveng (Campuchia), với chiều dài 50,5km. Từ năm 2008 đến 2014, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Prâyveng đã phân giới hoàn chỉnh 50,5km và xác định 10 vị trí, xây dựng hoàn chỉnh 16 cột mốc chính, đã bàn giao cho lực lượng quản lý bảo vệ biên giới hai bên 10/10 vị trí = 16/16 cột mốc và phân giới cơ bản trên toàn tuyến. Hoàn thành việc phân giới, cắm mốc tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp - Prâyveng đã góp phần động viên nhân dân hai nước an tâm sinh sống, kinh doanh, sản xuất, đoàn kết bảo vệ biên giới Hoà bình, hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

10. Di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt

Di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp nằm trên địa bàn hai xã Tân Kiều và Mỹ Hòa, thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, với diện tích được quy hoạch bảo tồn khoảng 290ha.

Đây là địa điểm còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học gắn với nền văn hóa Óc Eo. Trong thời kỳ lịch sử cận, hiện đại, khu di tích này gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta... Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt, tháng 9/2012, Di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp đã được Chính phủ xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

11. Trường Đại học Đồng Tháp được thành lập

Năm 2003, Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp được thành lập trên nền tảng Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp. Đến 9/2008, Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp đổi tên thành Trường Đại học Đồng Tháp.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Đồng Tháp có 586 công chức, viên chức, 89,9% giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên (trong đó có 2 phó giáo sư, 55 tiến sĩ, 75 nghiên cứu sinh, 79 giảng viên đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài). Quy mô đào tạo của nhà trường hiện nay 10.600 học viên, sinh viên chính quy đến từ 49 tỉnh, thành trong cả nước và 4.600 sinh viên hệ liên thông, vừa làm vừa học tại 22 cơ sở đào tạo thuộc các tỉnh trong và ngoài vùng đồng bằng sông Cửu Long.

12. Vườn Quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.

Với điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều động thực vật quý hiếm mà những năm gần đây lượng khách đến Vườn Quốc gia Tràm Chim không ngừng tăng cao để học tập, nghiên cứu, tham quan du lịch. Tháng 5/2012, Vườn Quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2000 của thế giới”, đây là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng.

Nhóm PV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn