Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 2.074 doanh nghiệp được thành lập mới
Cập nhật ngày: 11/06/2020 05:25:54
ĐTO - Các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh nhận thức được sự cần thiết của việc phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa theo tinh thần Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị, phát triển văn hóa kinh doanh, liên kết DN và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành nhiều ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp trên các lĩnh vực, và nâng giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản của vùng Đất Sen hồng.
Các DN trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng giá trị các sản phẩm nông sản của vùng “Đất Sen hồng”
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và sự quan tâm của các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh như: chủ trương “Chính quyền luôn đồng hành cùng DN”, mô hình “Cà phê Doanh nhân - DN”, “Hội quán nông dân”, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, DN, Nhân dân về tầm quan trọng của DN nhỏ và vừa trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Ngoài việc thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về khởi sự kinh doanh, quản trị DN hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Các sở, ngành tỉnh phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý DN, thông qua các lớp quản trị DN chuyên sâu, bồi dưỡng quản trị dành cho lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý, đào tạo kỹ năng cố vấn, các lớp chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế, mang lại sự đa dạng, phong phú và cải tiến trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Đội ngũ doanh nhân của tỉnh không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội. Đã có nhiều doanh nhân, DN được UBND tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ khen thưởng vì đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các DN đã quan tâm và tạo điều kiện trong việc phát triển tổ chức đảng và đoàn thể trong DN.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tín dụng cho các DN. Đối với Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa và hỗ trợ khởi nghiệp có vốn điều lệ gần 100 tỷ đồng, theo đó các dự án khởi nghiệp được vay với mức lãi suất là 5% và Hội đồng quản lý Quỹ đã triển khai đến các DN, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để biết và tiếp cận nguồn vồn. Từ đó, đã tiếp nhận, thẩm định 10 dự án đề nghị hỗ trợ bảo lãnh tín dụng tại các tổ chức tín dụng.
|
Với nhận thức DN là đối tượng phục vụ và chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển”, các kênh thông tin giao tiếp giữa chính quyền và cộng đồng DN chuyển đổi theo hướng tích cực. Tỉnh công khai tất cả số điện thoại, thư điện tử của lãnh đạo, tiếp nhận kiến nghị qua Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp, mạng xã hội (Facebook, zalo), tổ chức, tạo điều kiện hình thành các không gian sinh hoạt, giao lưu, tạo sự kết nối linh hoạt giữa chính quyền - DN, DN - DN và người dân - DN.
Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả, là đầu mối giải quyết tốt các thủ tục hành chính của 16 sở, ban, ngành, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian trong thực hiện thủ tục hành chính của người dân, DN. Đặc biệt, với việc đưa vào hoạt động Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 của tỉnh vào ngày 3/1/2020, theo đó công tác tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN ngày càng thuận tiện hơn, hiệu quả hơn, là một bước tiến mới trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.
Hình thành Trung tâm Hỗ trợ DN và Khởi nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh là những đơn vị giữ vai trò cầu nối giữa DN với chính quyền, các đơn vị này luôn hoạt động tích cực, hiệu quả trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ DN, nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư, cơ hội khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch trong thời gian qua đã góp phần đưa Chỉ số PCI của tỉnh trong 4 năm liền (2016 - 2019) luôn đứng ở nhóm 3 tỉnh, thành dẫn đầu bảng xếp hạng PCI của cả nước và 12 năm liên tục thuộc nhóm tỉnh, thành có chất lượng điều hành “rất tốt” được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.
Tỉnh đã thành lập 4 khu công nghiệp, đã có 3 khu công nghiệp (Sa Đéc, Trần Quốc Toản, Sông Hậu) đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy đạt 96%; riêng khu công nghiệp Tân Kiều, nhà đầu tư đang thực hiện san lấp mặt bằng. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh có 13 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào khu công nghiệp, nâng tổng số dự án đầu tư vào khu công nghiệp lên 59 dự án, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư trên 9.000 tỷ đồng, trong đó 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký khoảng 120 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư 1 dự án; kết thúc hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 10 dự án trong khu công nghiệp...
DŨNG CHINH