Giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

Cập nhật ngày: 07/12/2020 16:17:31

ĐTO - Qua ý kiến, kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại các buổi thảo luận Tổ đại biểu các địa phương, tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đã giải trình những ý kiến, kiến nghị đối với các nội dung thuộc thẩm quyền.


Ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình ý kiến của đại biểu (Ảnh: Dương Út)

Trong đó, về đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, UBND tỉnh thông tin, đối với dự án đường tránh An Bình - Phong Mỹ đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư với tổng mức trên 2.500 triệu đồng (bao gồm đoạn tuyến tránh TP.Cao Lãnh). Đoạn tuyến này được triển khai trong giai đoạn 2011-2015, tuy nhiên, sau đó dự án thuộc diện đình giãn tiến độ đầu tư theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã tổng hợp vào danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua, khi được chấp thuận sẽ triển khai thực hiện.

Đối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 30 đoạn TP.Cao Lãnh-TP.Hồng Ngự, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu thông xe kỹ thuật vào Tết Nguyên đán năm 2021. Dự án Đường ĐT857 - bến đò An Phong, nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua tại Nghị quyết số 330 ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh. Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đang hoàn chỉnh thủ tục chủ trương đầu tư và phấn đấu triển khai trong năm 2021.

Về đề nghị ưu tiên đầu tư phát triển cho TP.Hồng Ngự; tăng cường đầu tư phát triển đô thị trung tâm các xã ở huyện Tháp Mười để phấn đấu 5 xã đạt đô thị loại V hoặc theo hướng đô thị loại V, UBND tỉnh cho biết đã có Công văn số 342 ngày 29/10/2020 thống nhất mức hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương để phát triển hạ tầng đô thị giai đoạn 2021-2025, trong đó dự kiến hỗ trợ cho TP.Hồng Ngự 150 tỷ đồng, huyện Tháp Mười 130 tỷ đồng.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, để phấn đấu đưa 5 xã đạt đô thị loại V, huyện Tháp Mười cần đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp theo khả năng cân đối vốn thực tế của địa phương và đẩy mạnh việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, cũng như tăng cường kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức đối tác công tư PPP để đầu tư các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, nhằm nâng cấp, cải tạo, hoàn thiện hạ tầng hệ thống đô thị trung tâm các xã thuộc huyện Tháp Mười.

Đối với đề nghị không tiếp tục cấp phép khoan giếng trong khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm, chủ trương chung của tỉnh là hạn chế khai thác nước ngầm, nhất là đối với các công trình giếng khoan có chất lượng nước không tốt, không đạt quy chuẩn quy định; ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt. Thời gian qua, tỉnh không cấp phép công trình giếng khoan mới cho các loại hình sản xuất, kinh doanh, chỉ cấp gia hạn khai thác đối với các giếng khoan hiện hữu có chất lượng nguồn nước còn tốt để cấp nước sinh hoạt tập trung và dịch vụ công ích.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự án “Lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, dự kiến cuối năm 2020 sẽ phê duyệt và triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Về đề nghị xây dựng Đề án cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn, theo UBND tỉnh, dự thảo Kế hoạch cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đang được lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, địa phương có liên quan, dự kiến sẽ được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện vào cuối năm 2020.

Trong năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất các cơ sở cấp nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt. Theo đó, đã tiến hành kiểm tra 41 cơ sở để lấy mẫu xét nghiệm chất lượng nước, kết quả kiểm tra đã xử lý 21 cơ sở chưa bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nước theo quy định.

Về đề nghị có giải pháp phòng, chống, ngăn chặn tệ nạn ma tuý, UBND tỉnh cho biết, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đạt được nhiều kết quả; có 127/143 xã, phường, thị trấn triển khai Mô hình điểm về “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”, giúp 284/728 người nghiện trong diện quản lý có chuyển biến tốt.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tuyên truyền về tác hại của ma túy, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao; phối hợp với lực lượng Biên phòng, Hải quan quản lý chặt tuyến biên giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và bắt xử lý các đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới vào nội địa; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh, trật tự, không để bị lợi dụng mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; nhân rộng mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” trên phạm vi toàn tỉnh để góp phần kiềm chế sự gia tăng người nghiện ma túy.

NHẬT ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn