Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Giám sát việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA)
Cập nhật ngày: 14/05/2020 16:38:40
Chiều ngày 14/5, ông Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cùng Đoàn công tác đã đến giám sát Sở Công Thương về việc triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đoàn công tác giám sát việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do tại Sở Công Thương
Theo Sở Công Thương, việc triển khai thực hiện các FTA đã thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng kim ngạch tăng dần theo từng năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã vượt mốc 1 tỷ USD/năm. Năm 2019 đạt 1,1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2015.
Đến nay, hàng hóa của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; hầu hết các thị trường xuất khẩu mà Việt Nam có tham gia FTA, hàng năm đều tăng trưởng tốt. Cụ thể, thị trường ASEAN chiếm thị phần hàng năm đều tăng, các thị trường đơn lẻ như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia... cũng tăng trưởng tốt.
Ngoài các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh như gạo, thủy sản, bánh phồng tôm, may mặc… thì hiện nay xuất hiện nhiều mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao như collagen, dầu cá, trái cây chế biến… góp phần đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Đây là những mặt hàng được đánh giá là sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA thế hệ mới.
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, Đồng Tháp hiện có 22 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 185 triệu USD. Hầu hết các dự án FDI đều do các nhà đầu tư đến từ các nước có ký kết FTA với Việt Nam như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Nhìn chung, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên nhiều lĩnh vực theo hướng tích cực, góp phần tranh thủ các nguồn lực cho phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và giữ vững an ninh, quốc phòng, hợp tác biên giới tiếp tục củng cố và phát triển. Đồng thời, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, tạo nhiều cơ hội để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, tỉnh còn gặp một số khó khăn, thách thức như: các khu, cụm công nghiệp dù đã được quy hoạch nhưng việc triển khai đầu tư xây dựng có nơi hiệu quả chưa cao, còn hạn chế trong thu hút nhà đầu tư có tiềm năng; các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu với quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa có nhiều hoạt động tiếp cận và mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực và thế giới…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công Thương đã kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, biên soạn các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn chi tiết, sổ tay… về một số nội dung cam kết quan trọng của các FTA để phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và địa phương. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp nói riêng trong xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông nhằm thực hiện tốt quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế…
Ông Phạm Văn Hòa ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Sở Công Thương
Qua buổi giám sát, ông Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Sở Công Thương phối hợp với các ngành chức năng lưu ý tận dụng lợi thế, cơ hội do FTA mang lại để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh... Về những kiến nghị của Sở Công Thương, Đoàn ghi nhận và sẽ chuyển đến các ngành chức năng.
Thanh Trúc