Hiểu thêm về chính quyền “đồng hành”

Cập nhật ngày: 11/06/2024 10:47:50

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240611104831dt3-2.mp3

 

ĐTO - Từ một bộ máy cai trị, Nhà nước dần dần trở thành cơ quan phục vụ đối với người dân. Trong các bước phát triển ấy, chính quyền là “người bạn” - “đồng hành” với các chủ thể quyền lực. Đây được xem là sự tiến bộ vược bật của bộ máy nhà nước mà cả người làm việc trong cơ quan nhà nước và người dân đều thấy hài lòng trong quan hệ lẫn nhau. Nhưng từ giác độ lý luận và thực tiễn chính trị hiện hành, chúng ta hãy xem xét đối với khẩu hiệu (tuyên ngôn/tuyên bố) về chính quyền “đồng hành” để nhận thức và hành xử đúng hơn.

Nhà nước là cách gọi chung cả bộ máy từ Trung ương đến cơ sở và trong thời hiện đại đề cập đến các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chính quyền thường để chỉ cấp địa phương và đôi khi có thể hiểu về Nhà nước nói chung. Bài viết này, chúng ta bàn về chính quyền “đồng hành”. Đồng có nghĩa là giống nhau, như nhau, cùng dạng. Hành được hiểu là động, bước đi. Theo đó, đồng hành là cùng nhau hành động, cùng nhau làm việc. Và vì thế, nó đòi hỏi sự gắn bó phối hợp chặt chẽ, nhất quán, đồng tâm thực thi. Lướt qua khái niệm, chúng ta nhận ra chính quyền “đồng hành” quả thật là bước thay đổi căn bản trong mối quan hệ giữa Nhà nước và dân.

Dưới thời phong kiến, Nhà nước là cơ quan “thay trời hành đạo”, trị vì cai quản, “chăn dắt” người dân. Dù có triều đại tiến bộ xem dân là “gốc”, người cầm quyền vẫn quan niệm dân là thần dân. Và lần đầu tiên trong lịch sử của nhân loại, cuộc cách mạng tư sản đã đập tan huyền thoại về Nhà nước. Các nhà tư tưởng lớn của cách mạng tư sản đã lý giải Nhà nước chẳng qua là một “khế ước” (hợp đồng) mà ở đó người dân đã “hùn góp” một số quyền cơ bản. Do đó, Nhà nước là của dân. Nhà nước thuê người làm việc cho bộ máy nên công chức là người phục vụ (công bộc - đày tớ).

Từ khi cách mạng tư sản nổ ra, ngọn cờ của nó luôn giương cao: Chính quyền của Nhân dân, bởi Nhân dân và vì Nhân dân (the government of the people, by the people, for the people). Cuộc cách mạng xã hội xã hội chủ nghĩa càng làm sâu sắc hơn quan niệm về Nhà nước. Đó là Nhà nước của giai cấp công nhân và người lao động. Nhưng, giai cấp này và liên minh của nó đại diện cho số đông nên nó thực chất là của dân. Nhà nước là của dân và cán bộ, công chức là người phục vụ. Là người được dân gián tiếp thuê và trả công lao động, cán bộ, công chức phải toàn tâm, toàn ý phục vụ người dân. Như vậy sự đúng đắn ở đây, chính quyền không chỉ “đồng hành”, mà còn là “dọn đường”; chính quyền không chỉ là “bạn”, mà là người “nâng khăn sửa túi”.

Tư duy về chính quyền “đồng hành” có vẻ vẫn còn dáng dấp “chiếu cố”, “hạ mình”. Thực ra, đó phải là chính quyền kiến tạo (facilitating). Chính quyền ấy không dừng lại ở một số hình thức “cà phê doanh nghiệp”, gặp gỡ doanh nhân định kỳ hay tiếp công dân..., mà phải tạo ra khuôn phổ pháp lý, chính sách minh bạch, thuận lợi để công chức và người dân thực thi đúng theo các quy định. Ở đây, không có chỗ của cơ chế “xin - cho”, nhờ vả. Nhưng trong thực tế, những điều trái khoáy đã và đang tồn tại. Là cơ quan được người dân trao quyền lực, một số chính quyền hoặc những người cầm quyền có nhận thức và hành xử không đúng. Trước hết về nhận thức, từ quyền lực của Nhân dân, họ nghĩ của mình, của nhóm họ. Do đó, đáng lý là phục vụ người khác (ở đây là dân), họ muốn người khác phục vụ mình, đứng bên trên dân kiểu “ông nọ bà kia”. Từ đây, trong hành động, họ lạm quyền và lộng quyền hoặc đôi khi thực hiện các “chiêu trò mị dân” chỉ vì lợi ích của bản thân họ.

Để tránh rơi vào trạng thái tha hóa quyền lực, có hai điều được xem là mấu chốt: Thứ nhất, có cơ chế kiểm soát quyền lực - Lãnh đạo của Đảng hay nhắc “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” và thứ hai, người chủ quyền lực (dân) phải có năng lực làm chủ - Điểm này cũng được Đảng xác định thành phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ kinh nghiệm lịch sử và chính trị hiện hành, chúng ta nhận thấy cuộc đấu tranh lấy lại, giành lại quyền lực cho Nhân dân là khó khăn và vì vậy phải được tiến hành liên tục, bền bỉ. Ở Việt Nam, hệ thống chính trị có tính thống nhất cao độ “tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân” và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” đã và đang có những quyết sách quan trọng để đảm bảo quyền lực thuộc về Nhân dân.

Đối với xây dựng Nhà nước nói chung, Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr 174). Đối với cơ quan điều hành, Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr 176) và “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước”, “Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với Nhân dân” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr 178 và 179). Đây là những định hướng lớn đủ rõ và kịp thời để từng bước hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Như các lĩnh vực khác của lịch sử xã hội loài người, quá trình phát triển Nhà nước cũng trải qua những bước thăng - trầm. Hưng thịnh và suy vong, dân chủ và độc đoán, vì dân và bạo quyền xuất hiện và lụi tàn trên mảnh đất quyền lực. Khi và chỉ khi quyền lực thuộc về Nhân dân thì chính quyền ấy mới “đồng hành”, “thúc đẩy” xã hội. Chính quyền “đồng hành” là bước tiến lớn trong hành trình của Nhà nước cách mạng. Nhưng, “đồng hành” chỉ là nấc thang của một Nhà nước “kiến tạo” và hướng đến Nhà nước “dịch vụ”, đặt con người là trung tâm của mọi sự phát triển - Một Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn