Không mơ hồ về vai trò của Công đoàn Việt Nam

Cập nhật ngày: 26/07/2019 11:11:31

ĐTO - Trước và sau khi Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, có không ít ý kiến cho rằng người lao động được quyền thành lập hoặc tham gia tổ chức công đoàn khác ngoài Công đoàn Việt Nam, từ đó nhận định Công đoàn Việt Nam đã “kết thúc vai trò” là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không còn là đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động khác.

Tuy nhiên, những ý kiến trên xuất phát từ việc hiểu chưa thấu đáo hoặc cố tình xuyên tạc vai trò của Công đoàn Việt Nam với bề dày truyền thống 90 năm cũng như trong giai đoạn hiện nay.

Năm 1921, người thợ Ba Son Tôn Đức Thắng vận động thành lập Công hội Ba Son, với mục đích bênh vực quyền lợi của công nhân và đấu tranh chống đế quốc tư bản. Tổ chức đã nhanh chóng phát triển, trở thành nòng cốt trong phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn những năm 1920 - 1925. Công hội Ba Son được xem là tổ chức công hội đỏ đầu tiên ở nước ta.

Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đề cập về tính chất, nội dung hoạt động của tổ chức Công hội: “Trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Những học trò của Nguyễn Ái Quốc đã mang tư tưởng của Người về Công hội để tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức công hội trong nước thông qua các phong trào “vô sản hóa”, bãi công... tập trung những nơi có đông công nhân ở miền Bắc.

Từ những hạt giống đỏ ban đầu, phong trào đấu tranh của công nhân và người lao động lan khắp cả nước, từ tự phát đến tự giác. Để đáp ứng tình hình mới, ngày 28/7/1929, Hội nghị Đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ lần thứ I được tiến hành, chính thức đánh dấu sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Trải qua 90 năm rèn luyện và trưởng thành, Công đoàn Việt Nam, nay là Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhất là khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ở Đồng Tháp, từ chỗ chỉ có cán bộ công vận trong thời kỳ kháng chiến, sau 1975, tổ chức công đoàn được thành lập và ngày càng phát triển cả về số lượng đoàn viên và chất lượng hoạt động, không chỉ trong các cơ quan hành chính - sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước mà còn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đến nay, có hơn 88% người lao động là công đoàn viên, tất cả cơ quan nhà nước và hầu hết doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn.

Năm 2018, các cấp công đoàn trong tỉnh cùng ngành chức năng kiểm tra, giám sát tại 120 doanh nghiệp, qua đó kiến nghị cơ quan thẩm quyền tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc có liên quan đến quyền lợi của người lao động; tổ chức hơn 600 cuộc đối thoại với chủ doanh nghiệp, ký kết gần 200 bản thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động so với quy định pháp luật.

Nhiều phong trào do Công đoàn tỉnh phát động đã thu hút sự tham gia đông đảo của công đoàn viên và xã hội, nổi bật như chương trình “Mái ấm công đoàn”, “Tết sum vầy”... qua đó, đã vận động được hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn trong giai đoạn 2013 - 2018.

Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn trong tỉnh còn tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phong trào thi đua yêu nước và nhiều hoạt động xã hội khác được dư luận xã hội đánh giá cao.

Cho thấy, tổ chức công đoàn của Đồng Tháp nói riêng, không chỉ “lo cơm - áo - gạo - tiền” cho công nhân và người lao động như cách nói nôm na trong thời kỳ bao cấp, mà đã thật sự trở thành tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, có tiếng nói không thể thiếu và ngày càng có trọng lượng đối với người sử dụng lao động về những vấn đề liên quan.

Những đóng góp của tổ chức Công đoàn Việt Nam đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII: “Thành tích của Công đoàn và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam là rất to lớn và rất đáng tự hào”.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, một số nơi, vai trò của tổ chức công đoàn mờ nhạt, thậm chí bị vô hiệu hóa.

Có nguyên nhân khách quan, như một số người sử dụng lao động tìm cách lách luật trong việc thực hiện quyền lợi của người lao động; cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan chưa đánh giá đúng mức, chưa phát huy vai trò của tổ chức công đoàn; cán bộ công đoàn là cấp dưới, là người làm thuê; kinh phí, thời gian tổ chức hoạt động phụ thuộc vào cơ quan, thủ trưởng, giám đốc... Về chủ quan, có không ít công nhân, người lao động phai nhạt lý tưởng chính trị, chỉ lo lắng những vấn đề trước mắt, ít hoặc không quan tâm về vai trò của giai cấp công nhân trong đời sống chính trị - xã hội; có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh chính trị. Trong khi đó, có cán bộ công đoàn thiếu bản lĩnh, năng lực, trình độ; chưa quan tâm đúng mức, chậm đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động...

Với việc Việt Nam tham gia tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), gia nhập Công ước 98 của ILO và nhiều điều ước quốc tế khác, không ít thách thức đặt ra đối với vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, với bề dày truyền thống, bản lĩnh, sự tín nhiệm của công nhân, người lao động và xã hội đối với Công đoàn Việt Nam, cùng với việc Đảng chủ trương, Nhà nước hoàn thiện quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động trong quan hệ với người sử dụng lao động, đồng thời Hiến pháp nước ta khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong, là đại biểu trung thành của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, cho thấy, Công đoàn Việt Nam vẫn là tổ chức chính trị nòng cốt của giai cấp công nhân, là đại diện, chỗ dựa tin cậy của công nhân và người lao động Việt Nam.

Với những đóng góp to lớn trong 90 năm qua và địa vị pháp lý vững chắc, cùng với việc tổ chức và cán bộ công đoàn các cấp khắc phục những hạn chế chủ quan, thì vai trò của Công đoàn Việt Nam không thể bị nhận thức mơ hồ hay phủ nhận.

Công ước 98 là 1 trong 8 công ước cốt lõi của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) của Liên Hiệp quốc liên quan đến các vấn đề về lao động, là Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Công ước có các nội dung cơ bản: bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn