Phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững

Cập nhật ngày: 24/10/2019 11:07:44

ĐTO - Từ năm 2013 đến năm 2018, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2014 - 2018 huy động được 71.233 tỷ đồng (chiếm 23,3% GRDP). Mạng lưới đô thị của tỉnh tiếp tục được mở rộng, phát triển, định hình rõ nét. Công tác quy hoạch tạo cơ sở để kế hoạch hóa đầu tư, phân bổ nguồn lực góp phần định hướng đầu tư và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị, phục vụ cho công tác mở rộng, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2018 đạt 35,9%.


Trong thời gian qua, xuất khẩu mặt hàng gạo có đóng góp lớn trong mức tăng trưởng về kinh tế của tỉnh

Việc cấp và quản lý nước sạch được đầu tư nâng cấp về mạng lưới bao phủ và chất lượng nước bảo đảm đồng bộ theo tốc độ mở rộng đô thị, tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đến cuối năm 2018 đạt 98,6%. Triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 10.000m3/ngày đêm tại TP.Cao Lãnh, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đạt 78%. Việc phát triển các đô thị đã góp phần tạo cảnh quan môi trường và nâng cao chất lượng sống của dân cư khu vực đô thị.

Hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng mở rộng và đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 10,74%/năm. Một số sản phẩm nông sản, nông sản chế biến, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp đã có chỗ đứng vững chắc trong các hệ thống phân phối hàng hóa lớn của cả nước (hệ thống siêu thị Co.op Mart, VinMart, Big C, VinafoodMart...).

Xuất khẩu hàng hóa có mức tăng trưởng tốt với 2 mặt hàng chủ lực là gạo, thủy sản chế biến (chiếm tỷ trọng trên 93% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh). Nhập khẩu bảo đảm đáp ứng nhu cầu về nguyên vật liệu sản xuất, các mặt hàng tiêu dùng cho đời sống thiết yếu. Hoạt động bưu chính, viễn thông có nhiều đổi mới, đặc biệt thực hiện tốt dịch vụ giao nhận thủ tục hành chính đến tận nhà người dân. Hệ thống lưới điện tiếp tục được đầu tư, bảo đảm đáp ứng yêu cầu cho thông tin liên lạc, hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.

Hoạt động du lịch đạt nhiều dấu ấn đột phá, tiềm năng du lịch được khai thác theo trọng điểm, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nét đặc sắc riêng có với thương hiệu “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen”. Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương phát triển du lịch cộng đồng và ban hành Đề án Phát triển du lịch với nhiều chính sách hỗ trợ khả thi, nhiều gia đình đã mạnh dạn mở cửa vườn cây ăn trái đón khách tham quan và làm du lịch homestay (hiện có 73 điểm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh). Năm 2018, Đồng Tháp đón trên 3,6 triệu lượt khách, tăng hơn 2,2 lần so với năm 2013, xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số lượng du khách đến tham quan; tổng doanh thu từ du lịch đạt 913 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2013.

Từ năm 2013 đến năm 2018, quy mô nền kinh tế của tỉnh ngày càng được mở rộng, bình quân tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP - theo giá so sánh năm 2010) đạt 6,18%/năm, trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,45%/năm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,3%/năm; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 8,67%/năm. Tính đến cuối năm 2018, quy mô nền kinh tế của tỉnh (GRDP - giá thực tế) tăng 1,52 lần so với năm 2013, đạt 72.872 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực thương mại - dịch vụ; GRDP/người đạt 43,04 triệu đồng, tương đương với 1.888 USD (theo giá hiện hành), tăng 1,51 lần so với năm 2013.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn