Quyết tâm thực hiện mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao
Cập nhật ngày: 26/08/2020 10:12:00
ĐTO - Nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tháp Mười đã phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng nông thôn mới (NTM), xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng hàng đầu. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, đến cuối năm 2019, có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 8 xã so với nhiệm kỳ trước) và huyện đạt tiêu chí huyện NTM sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội. Kế thừa những kết quả đã đạt được, Đảng bộ huyện Tháp Mười tiếp tục mục tiêu “Xây dựng huyện NTM nâng cao”; phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp, nông thôn và đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững.
Hệ thống đường giao thông toàn huyện được mở rộng, cứng hóa, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Ảnh: T.Ly
Hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới
Chương trình xây dựng NTM tại huyện Tháp Mười nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của tỉnh; Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy, sự tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt của UBND huyện, các ngành, các xã và sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân. Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng NTM. Góp phần phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Hệ thống đường giao thông toàn huyện được mở rộng, cứng hóa, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, người dân hiến đất, đóng góp công sức, kinh phí để thực hiện xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn huyện (láng nhựa, đổ bê tông, đá cấp phối) được 735,6km đường giao thông nông thôn, trong đó đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện là 98,2km; đường trục ấp và liên ấp là 188,7km; đường ngõ xóm là 227,2km; đường trục chính nội đồng là 275,2km. Hoàn thiện hệ thống đèn chiếu sáng, cổng, ngõ làm cho bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp. Lao động nhàn rỗi, lao động trẻ được đào tạo nghề, việc làm, ổn định đời sống. Chú Nguyễn Văn Hải ở ấp Lợi An, xã Thanh Mỹ cho biết: “Bản thân tôi cảm nhận khi Nhà nước có chủ trương xây dựng NTM thì bộ mặt nông thôn thay đổi, nhiều đường, cầu chuyển sang cầu bê tông, đường nhựa, đường đan, người dân đi lại rất thuận lợi. Trường học đạt chuẩn đảm bảo cho các cháu đi học; người dân phát triển kinh tế, ổn định thu nhập, giảm nghèo hiệu quả. Trước đây, gia đình tôi trồng xoài, dừa, nhưng sau khi được vận động chuyển đổi mô hình thì tôi chuyển sang trồng mai vàng, bông trang để cải thiện thu nhập và rất ổn định..”.
Chú Nguyễn Văn Hải ở ấp Lợi An, xã Thanh Mỹ ổn định thu nhập sau khi chuyển đổi mô hình trồng mai. Ảnh: N.Nguyễn
Phát huy thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2015, huyện Tháp Mười triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp. Ông Bùi Văn Sơn – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho biết: “Huyện đã chọn 5 ngành hàng chủ lực, tiềm năng để phát triển, trong đó, đối với cây lúa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất giảm giá thành, cánh đồng sản xuất lúa thông minh, xây dựng mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã với diện tích 2.250,9ha/năm, đạt năng suất lúa bình quân mỗi năm từ 6,8-8,5 tấn/ha/vụ (tăng 0,7-1,5 tấn/ha/vụ) so với năm 2010, tạo ra lợi nhuận cao hơn từ 3-7 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống. Ngoài ra, các ngành hàng vịt, cá sặc rằn, sen, ếch cũng phát triển gắn với nhu cầu tiêu thụ của thị trường...”.
Xã Thanh Mỹ được tỉnh công nhận xã NTM vào năm 2014. Đến năm 2020, xã tiếp tục được huyện chọn là 1 trong 2 xã thực hiện xã NTM nâng cao. Đồng chí Lương Văn Út – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết: “Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Mỹ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có việc chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang cây ăn trái, xem hướng trồng cây ăn trái là hướng đi đột phá. Đến nay, diện tích chuyển đổi từ cây lúa sang cây ăn trái trên 820ha. Hiệu quả khi chuyển sang trồng cây ăn trái so với cây lúa có lợi nhuận bình quân gấp 3-5 lần, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra hướng đi mới trong thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập người dân...”.
Mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
Giai đoạn 2011–2019, huyện Tháp Mười đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, qua đó kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng tích cực. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, xây dựng hoàn thiện; văn hóa - xã hội có bước tiến bộ; đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; dân chủ ở cơ sở tiếp tục được phát huy. Đến nay, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019 (Quyết định số 1273/QĐ-TTg ngày 19/8/2020).
Cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp xây dựng NTM. Bằng những quyết sách đúng đắn, cách làm phù hợp với thực tiễn của cấp ủy, chính quyền địa phương đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là phát huy vai trò của chi bộ Đảng các ấp; vai trò của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; vai trò chủ thể của người dân nông thôn và sức mạnh của cộng đồng. Bộ máy quản lý, điều hành Chương trình xây dựng NTM các cấp từ huyện đến cơ sở được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động. Công tác tuyên truyền được tổ chức triển khai sâu rộng trong Nhân dân, tuyên truyền phù hợp với cơ sở, tạo sự đồng tình hưởng ứng cao của Nhân dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân. Người dân, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM như: hiến ngày công, hiến đất, cây cối hoa màu, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xã hội hóa hệ thống cầu đường, công tác vận động từ thiện làm cầu đường, nhà ở... Huyện đã huy động được 13.397,540 tỷ đồng, trong đó vốn Nhân dân đóng góp bằng các hình thức như: tiền, hiện vật, ngày công lao động, hiến đất làm đường là 1.010,487 tỷ đồng. Điểm đáng ghi nhận trong huy động tài lực, nếu trừ nguồn vốn tín dụng do người dân tự đầu tư sản xuất hơn 10.000 tỷ đồng thì việc huy động sự đóng góp của cộng đồng nói trên khá cao (khoảng 38%), do người dân hiểu được lợi ích của việc xây dựng NTM trên địa bàn.
Sản phẩm Trà hoa sen Khánh Thu thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đồng Tháp năm 2019 của Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Khánh Thu
Đề cập đến những mục tiêu sắp tới, đồng chí Trần Thị Quý – Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết: “Từ những kết quả đạt được, huyện Tháp Mười tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng huyện NTM nâng cao trong thời gian tới. Trong đó, tập trung xây dựng huyện đạt huyện NTM nâng cao và đô thị hóa nông thôn một cách hợp lý; xây dựng 50% số xã đạt tiêu chí NTM nâng cao gồm: Đốc Binh Kiều, Mỹ Hòa, Mỹ Quí, Phú Điền, Mỹ Đông, Thanh Mỹ. Trong đó xây dựng xã Mỹ Đông, xã Thanh Mỹ đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu chuyên đề. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi phương thức vận hành chương trình: Nhà nước chuyển từ vai trò quản lý, điều hành chương trình sang vai trò định hướng, hỗ trợ phát triển; người dân từng bước tham gia vận hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM là chương trình trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện...”.
Song song đó, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục vận dụng các nguồn lực đầu tư, lồng ghép phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chủ động liên kết, đào tạo lao động nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động; thúc đẩy phát triển sản xuất và các hình thức sản xuất có hiệu quả theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo tăng thu nhập người dân nông thôn, thúc đẩy sự gắn kết trong cộng đồng qua hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình, xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội trong sạch, vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự xã hội. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên để nâng cao các tiêu chí xã đã đạt NTM, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...
C.P. – Ngân Nguyễn