Sắc xuân ở nơi đầu tuyến

Cập nhật ngày: 11/02/2021 06:42:29

ĐTO - Các huyện, thành phố vùng biên tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 27-KL/TU ngày 20/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt Kết luận số 27) trên địa bàn. Qua đó, diện mạo khu vực vùng biên ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao, đặc biệt là không khí đón Xuân vui tươi và ấm cúng.


Nhiều người dân xã Bình Thạnh, TP.Hồng Ngự có cuộc sống sung túc từ việc nuôi cá tra xuất khẩu

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội TP.Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng tiếp tục quán triệt đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ và thực hiện tot các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 27 về định hướng phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020.

Huyện Tân Hồng đã xây dựng khu vực biên giới theo hướng kết nối, liên kết, phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng nguồn lực thực hiện. Theo đó, sản xuất nông nghiệp của 3 xã biên giới nhìn chung được duy trì và phát triển ổn định, vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm được quan tâm thực hiện. Tổng diện tích sản xuất lúa hàng năm từ 19.284ha năm 2016 đến nay nâng lên được 22.328ha (đạt 89,5% so với kế hoạch, nguyên nhân do giảm vụ 3 để thực hiện xả lũ lấy phù sa), sản lượng đạt 126.506 tấn (năm 2016) tăng lên 143.878 tấn (năm 2019), ước thực hiện năm 2020 đạt 144.328 tấn.

Không khí buổi sáng trở nên se lạnh như báo hiệu mùa Xuân đang về. Năm hết Tết đến, có dịp trở lại thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ngụ xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng), gia đình chị Tuyết cũng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa để đón Tết. Gia đình chị Tuyết là một trong những hộ chịu khó làm ăn, từng bước vươn lên có cuộc sống ổn định. Chị cũng như nhiều gia đình khác, chuẩn bị đón Tết Tân Sửu năm 2021 tuy đơn sơ nhưng ấm cúng.


Người dân Làng nghề dệt choàng (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự) chuẩn bị hàng phục vụ dịp Tết Tân Sửu năm 2021

Chị Nguyễn Thị Tuyết cho biết, nhờ gia đình được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nên đầu tư chăn nuôi có hiệu quả, gia đình cũng tranh thủ đi làm thuê làm mướn nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập để chi tiêu trong gia đình. Những ngày Tết đến Xuân về, gia đình cũng chuẩn bị bánh, mứt. Riêng ngày 28, 29 tháng Chạp (âm lịch) sẽ đi chợ mua thêm thịt để làm vài món, trước là cúng ông bà gia tiên, sau đó cùng ăn bữa cơm sum họp gia đình.

Diện mạo của thành phố vùng biên Hồng Ngự luôn thay đổi hàng ngày, nhất là trong 5 năm qua, kinh tế của TP.Hồng Ngự tiếp tục phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn hàng năm đều tăng, ước đến cuối năm 2020 tăng 1,3 lần so với đầu năm 2015, tỷ lệ tăng bình quân 5,45% năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, năm 2015 ước đạt 29 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2020 ước đạt 49,550 triệu đồng/người (theo giá thực tế), tăng 1,75 lần so với đầu năm 2015. Trong đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ luôn duy trì ở mức tăng trưởng khá, thể hiện được vai trò mũi nhọn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.Hồng Ngự. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng không ngừng phát triển về số lượng cũng như về giá trị sản xuất so với thời điểm năm 2015.


Hệ thống đường giao thông liên ấp Đuôi Tôm - Gò Bói, xã biên giới Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng được đầu tư mở rộng

Anh Nguyễn Văn Thành ngụ ấp Bình Chánh, xã Bình Thạnh, TP.Hồng Ngự cho biết, trước đây hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, nước sạch, nhất là việc xét cho người dân vùng biên giới được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi nên gia đình đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả. Tuy có lúc thăng trầm nhưng chính con cá tra đã giúp cho cuộc sống của nhiều người được sung túc, thậm chí giàu có. Thật lòng mà nói, đời sống của người dân xã Bình Thạnh nói riêng và 2 xã biên giới nói chung của TP.Hồng Ngự ngày càng “thay da đổi thịt”, TP.Hồng Ngự hôm nay được nhiều người biết đến. Đặc biệt, không khí đón xuân Tân Sửu năm 2021 của người dân chắc chắn sẽ sung túc hơn so với năm trước.

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện Hồng Ngự được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhất là các đối tượng thuộc hộ chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân vùng biên. Vào dịp Tết đến Xuân về, huyện Hồng Ngự luôn quan tâm đến các đối tượng thuộc diện chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ khó khăn... nhằm đảm bảo cho mọi người dân được vui Xuân đón Tết.

Thời gian qua, dịp Tết Nguyên đán, tình hình an ninh chính trị và an ninh trật tự an toàn xã hội tại địa bàn 8 xã biên giới của TP.Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng luôn được ổn định. Phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc ngày càng mở rộng như: Tổ Nhân dân tự quản; Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới; Tổ quản lý, giáo dục thanh thiếu niên vi phạm và có nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhìn chung, qua thực hiện các mô hình đã dấy lên phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến tận khu dân cư, xóm, ấp góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên.

Ngọc Tâm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn