Thực hiện Chỉ thị số 04 của Tỉnh ủy:
Số vụ việc được thi hành án trên địa bàn luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao
Cập nhật ngày: 28/04/2020 11:37:26
ĐTO - Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 04 của Tỉnh ủy Đồng Tháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Thi hành án dân sự, hành chính cho thấy, cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp trên địa bàn tỉnh tập trung rà soát, đánh giá năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ chấp hành viên để có kế hoạch tuyển dụng, phân công công việc phù hợp, đẩy mạnh công tác đào tạo về lý luận chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời thực hiện việc quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự theo từng giai đoạn mang lại hiệu quả cao.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp trên địa bàn thường xuyên kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án kịp thời, đầy đủ và đúng pháp luật
Đặc biệt, Cơ quan Thi hành án dân sự quan tâm công tác chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thi hành án dân sự gắn chặt với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp. Qua đó, phát huy hiệu quả phòng ngừa vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác thi hành án dân sự.
Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự hai cấp tiếp tục phát huy hiệu quả theo đúng quy chế, đúng pháp luật, giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước và chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh và việc tổ chức thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương. Với vai trò là người đứng đầu, Thủ trưởng các Cơ quan Thi hành án dân sự đã có sự tập trung quản lý, kiểm soát nội bộ chặt chẽ, hiệu quả, tham mưu giúp cho UBND, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp chỉ đạo kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ của công tác thi hành án dân sự, hành chính trong giai đoạn hiện nay. Từ năm 2017 đến nay, Ban Chỉ đạo thi hành án hai cấp tham mưu, đề xuất UBND dân tháo gỡ, giải quyết 735 vụ việc khó khăn, vướng mắc.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát, cụ thể đối với các chấp hành viên, cán bộ, nhất là tổ chức tập huấn hay cử công chức dự tập huấn chuyên sâu, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ trực tiếp nhằm bảo đảm thống nhất trong nhận thức, áp dụng đúng pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính. Đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh chủ động thỉnh thị nghiệp vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự để cho ý kiến tháo gỡ, tổ chức thực hiện. Việc tiếp nhận, thụ lý các bản án, quyết định và yêu cầu thi hành án luôn được các cơ quan thi hành án dân sự hai cấp chú trọng thực hiện, kịp thời đưa các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật ra thi hành.
Hằng năm, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức các cuộc kiểm tra toàn diện hoặc theo chuyên đề, tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ giải quyết án đối với 12 Chi cục thi hành án huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung kiểm tra việc tiếp nhận, phân loại án có điều kiện, chưa có điều kiện thi hành, tổ chức cưỡng chế các trường hợp có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành, của địa phương.
Kết quả thi hành án đạt và vượt chỉ tiêu ngành cấp trên giao; năm sau cao hơn năm trước, điển hình như năm 2017 thi hành 16.302 việc, đạt 86,9% (năm 2016 là 13.041 việc); năm 2018 là 17.704 việc, đạt 88,3%; năm 2019 là 19.119 việc, đạt 82,7%. Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư liên quan đến công tác thi hành án được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với cơ quan thi hành án dân sự hai cấp nghiêm chỉnh thực hiện. Qua công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư, lãnh đạo từng đơn vị trực tiếp nghiên cứu để phân loại, giải quyết kịp thời, người đứng đầu cơ quan thi hành án gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, tố cáo, tập trung giải thích quy định của pháp luật để người dân nắm và đồng tình với việc thi hành án. Từ đó, trong những năm qua, hoạt động thi hành án không để phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Hằng năm, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện ban hành chương trình, kế hoạch và tổ chức các cuộc khảo sát, giám sát bằng các hình thức giám sát trực tiếp, khảo sát, thẩm tra báo cáo những vấn đề mà cử tri phản ánh, kiến nghị có liên quan đến hoạt động thi hành án. Cơ quan Thi hành án tham gia trả lời chất vấn, giải trình đầy đủ và báo cáo kết quả theo quy định. Qua đó, các nội dung kiến nghị của Hội đồng nhân dân được Cơ quan Thi hành án hai cấp tiếp thu và thực hiện nghiêm túc. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp duy trì định kỳ, thường xuyên kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. Qua kiểm sát, đã kịp thời phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong việc tổ chức thi hành án để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu đơn vị được kiểm sát khắc phục, chấn chỉnh, giúp hạn chế những sai sót trong việc thi hành án.
|
DŨNG CHINH