Sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng trong cuộc chiến chống Covid-19

Cập nhật ngày: 21/06/2021 06:05:03

ĐTO - Vậy là đã hai dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, lần thứ 95 và lần thứ 96 (21/6/1925 - 21/6/2020 - 2021) diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã và đang gồng mình chống chọi với đại dịch Covid - 19, lần sau gian nan, kịch liệt hơn lần trước.


Phóng viên Báo Đồng Tháp (bìa phải) trong chuyến tác nghiệp tại Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 - Đồn biên phòng Thông Bình. 
Ảnh: Thành Nguyễn

Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” đó, cả hệ thống chính trị của đất nước và toàn dân đã chung lòng, chung sức “ra trận”, trong đó có lĩnh vực báo chí và đội ngũ nhà báo. Có thể khẳng định, góp phần vào công cuộc phòng, chống đại dịch thành công của đất nước ta (so với nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước trong khu vực Đông Nam Á), có phần đóng góp cực kỳ quan trọng của báo chí cách mạng, báo chí chính thống.

Khác với nguồn thông tin của báo chí và mạng xã hội phi chính thống, cực đoan, quấy phá, phản động... (mà một số người gọi là “lề trái”), luôn tìm cách tung ra những nội dung thiếu chuẩn xác, thiếu khoa học, hoài nghi và ác ý với công cuộc phòng, chống Coid - 19 của Việt Nam, tất cả báo chí cách mạng, báo chí chính thống của đất nước ta đã hoàn thành và chứng tỏ được sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của mình.

Trước hết là sứ mệnh cập nhật thông tin theo phương châm “Kịp thời - minh bạch - chính xác - tin cậy”. Trong tất cả 4 đợt dịch bùng lên ở Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay, gần như từng giờ, từng ngày, các tờ báo, tạp chí, mạng xã hội, đài phát thanh, đài truyền hình... chính thống đều đã cung cấp một cách nóng hổi, cụ thể, tỉ mỉ nhưng rất nhân văn về hệ thống số liệu phòng, chống dịch (số ca nhiễm, số ca lành bệnh, số ca tử vong, số địa phương nhiễm...). Tất cả thông tin đều được tổng hợp và công bố từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid - 19 hay từ Bộ Y tế. Những thông tin đó của hệ thống báo chí chính thống, một mặt, giúp cả xã hội nắm bắt nhanh nhất, chính xác nhất, toàn diện nhất tình hình dịch bệnh đang diễn ra, mặt khác, nó giúp toàn dân tự hào, tin tưởng vào kết quả phòng, chống dịch thành công của đất nước ta, qua đó, càng chung sức, chung lòng giành những thắng lợi quan trọng trên “mặt trận” này.

Thứ hai là sứ mệnh tuyên truyền, động viên cả xã hội tích cực vào cuộc, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, dấy lên niềm tin trong Nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc để phòng, chống dịch thành công. Có thể khẳng định, không có một loại hình tuyên truyền, động viên nào nhanh nhạy, hữu hiệu và mang tính tổng hợp, tổng lực bằng báo chí trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Tất cả nội dung phòng, chống dịch bệnh được đưa lên mặt báo (giấy, mạng), chương trình truyền hình, chương trình phát thanh... mỗi ngày. Nhất là việc đăng tải kịp thời thông tin về các biện pháp phòng, chống hữu hiệu mà gần đây nhất là khuyến cáo toàn dân thực hiện 5K hay thông tin kịp thời về các khu vực có nguy cơ dịch tễ hoặc những nơi cần và đang phong tỏa... Báo chí cách mạng, báo chí chính thống cũng luôn khích lệ, động viên, cổ vũ toàn dân tham gia phòng, chống dịch bệnh mọi nơi, mọi lúc, nhất là động viên kịp thời lực lượng xung kích, tiên phong trên tuyến đầu chống dịch như: đội ngũ y tế, quân đội, công an và những lực lượng tham gia trực tiếp khác... Gương sáng và thành tích của họ luôn được cập nhật và đưa lên một cách nhanh nhất trên báo chí. Không thể không xúc động, tự hào với những người như vợ chồng bác sĩ gửi con lại nhà, cùng cách ly chữa bệnh hàng tháng trời trong bệnh viện; những chiến sỹ không thể về chịu tang bố mẹ mất, về hưởng niềm hạnh phúc thiêng liêng khi vợ sinh con đầu lòng hay những người làm nhiệm vụ đưa đón người bệnh, trang thiết bị bằng xe chuyên dụng 24/24, không biết ngủ là gì, một tinh mơ, nằm vạ vật lề đường chợp mắt vài phút hiếm hoi... Báo chí cũng đang vào cuộc một cách nhanh nhạy, tích cực, tham gia vận động đóng góp tiền, của hỗ trợ phòng, chống dịch, nhất là việc đóng góp kinh phí mua vaccin để nước ta sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Thứ ba là sứ mệnh dự báo, đề xuất, kiến nghị về thực trạng và khả năng lây lan của dịch bệnh, cũng như những phương pháp, hình thức hiệu quả trong phòng, chống Covid-19. Chức năng dự báo là một trong những “chức năng gốc” của văn học - nghệ thuật và báo chí. Trong “chống dịch như chống giặc” lần này, chức năng đó lại được phát huy, thể hiện một cách rõ nhất, kịp thời nhất. Cùng với các chuyên gia, rõ ràng, nhờ rất nhiều ý tưởng phân tích, dự báo của đội ngũ phóng viên, biên tập viên... mà những người lãnh đạo đất nước và địa phương thấy được khả năng lây nhiễm của nhiều cụm dịch, để có quyết sách ứng phó rất hiệu quả. Đã có không ít báo chí lên tiếng khuyến cáo về đợt bùng phát dịch lần thứ 4 và nó đã xảy ra đúng như vậy, thậm chí còn ghê gớm hơn, khiến chúng ta không phải không có ít nhiều lúng lúng khi xử lý, nhất là ở các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... Cũng đã có những thông tin đề xuất trên báo chí về việc tung lực lượng mạnh, kiểm soát chặt biên giới, nhất là biên giới Tây Nam, phòng, chống lây nhiễm qua đường biên giới. Điều đó sau này đã diễn ra và chúng ta đã làm tốt việc khống chế người xuất nhập cảnh trái phép, nhất là những người có nguy cơ hay đã dương tích với SARS CoV - 2.

Cuối cùng là sứ mệnh đối trọng và phản bác, phê phán những luận điệu xuyên tạc, khiêu khích, bôi nhọ của các thế lực bất mãn, chống đối, phản động... về công cuộc phòng, chống đại dịch của Đảng ta, Nhân dân ta. Điều đó thể hiện một cách hùng hồn nhất bằng các thao tác, kỹ năng, nghiệp vụ, hoạt động tác nghiệp... báo chí như đã nêu ở trên. Thông tin kịp thời - minh bạch - chính xác - tin cậy, mang đậm phẩm chất dự báo cũng như năng lực tuyên truyền, động viên của báo chí cách mạng, báo chí chính thống cũng là câu trả lời đanh thép cho những phát ngôn hoài nghi, bôi nhọ, gây chia rẻ... của các loại báo chí “lề trái”. Ở đây, xin nói đến hoạt động trực tiếp bằng chính các tác phẩm báo chí “đánh” vào loại “giặc” này. Đã một thời, dường như chúng ta chưa quan tâm một cách đúng mực đến sự phản ứng nhanh nhạy này, cứ cho rằng, cái đúng, cái tốt, cái chính ắt tự xua tan, đánh bạt cái sai, cái xấu, cái tà. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Thực tiễn chứng minh không phải lúc nào cũng hoàn toàn như vậy, nhất là trong truyền thông. Cần phải có đối sách kịp thời, phù hợp nhằm vạch trần những “tà ngôn”. Trong công cuộc phòng, chống Covid - 19, báo chí đã lên tiếng rất mạnh mẽ và kịp thời, nhằm phản bác, phê phán ý đồ, luận điệu... của những thế lực thù địch, phản động bằng hệ thống báo chí sai trái, xuyên tạc, phản sự thật. Rất nhiều bài viết xuất hiện trên nhiều báo chí cách mạng, báo chí chính thống về mũi tiến công này, mà tiêu biểu có thể kể đến một số chương trình, tiểu mục trên VTV1 hay VOV1...

Cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid - 19 chưa kết thúc. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam lần thứ 96, nhìn lại và thấm sâu sứ mệnh cao cả của báo chí và các nhà báo để thêm tin tưởng, tự hào và tiếp bước.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn