Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều
Cập nhật ngày: 24/12/2020 17:04:49
ĐTO - Nhằm ghi nhớ công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng như giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ hôm nay và mai sau, Báo Đồng Tháp Online giới thiệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều nhân dịp lễ giỗ lần thứ 154 của hai Cụ với quy mô lễ hội cấp tỉnh tại Khu di tích Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười).
Tượng của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười)
THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA THIÊN HỘ VÕ DUY DƯƠNG (1827 - 1866)
Võ Duy Dương là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân ở thôn Cù Lâm Nam, thuộc phủ Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định), sinh năm 1827, em ruột của anh hùng chống Pháp Võ Duy Tân. Tương truyền ông rất khoẻ mạnh và giỏi võ nghệ, được bà con tôn là Ngũ linh Dương.
Năm 1857, hưởng ứng chính sách khai hoang của Nguyễn Tri Phương, ông vượt biển vào Nam tìm đến đất Ba Giồng ven Đồng Tháp Mười (nay thuộc ba huyện: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), quan hệ với nông dân, điền chủ, danh Nho địa phương để tìm chỗ cho cuộc chiêu dân, khai hoang lập ấp.
Tháng 2 năm 1859, Pháp đánh thành Gia Định. Ông cùng Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, lập Đội Nghĩa ứng kéo về Gia Định đánh Pháp, ông được phong chức Chánh quản đạo. Thành Gia Định vỡ, ông vượt biển về kinh, bái yết vua Tự Đức hiến kế đuổi giặc. Ông được điều về Quảng Nam dẹp cuộc nổi dậy của người Thạch Bích và được phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ vào năm 1860.
Tháng 5/1861, ông được sung vào phái bộ của Khâm phái quân vụ Đỗ Thúc Tịnh vào Nam với nhiệm vụ chiêu mộ nghĩa dõng chống giặc. Trong một thời gian ngắn, ông mộ được gần 1.000 nghĩa dõng và được phong chức Quản cơ. Ông đóng quân ở Bình Cách, liên kết với Trương Định ở Gò Công, Trần Xuân Hoà (phủ Cậu) ở Thuộc Nhiêu và Đỗ Thúc Tịnh ở Mỹ Quý. Đầu năm 1862, quân Pháp đột kích căn cứ Thuộc Nhiêu, Trần Xuân Hoà bị bắt và tự tử, ông tiếp tục cuộc kháng chiến đến khi Đỗ Thúc Tịnh hy sinh, Nguyễn Hữu Huân bị bắt, rồi mới rút về Bình Cách.
Trương Định được phong làm Bình Tây Tướng quân và Võ Duy Dương làm Chánh đề đốc, Nguyễn Hữu Huân (sau khi bị bắt đã tìm cách trốn thoát) làm Phó Đề đốc.
Lực lượng nghĩa quân đánh Pháp nhiều trận, gây cho chúng nhiều tổn thất. Đến năm 1864 Trương Định hy sinh, Thiên Hộ Dương rút quân về Tháp Mười xây dựng căn cứ. Năm 1865, nghĩa quân đánh vào Cái Bè, Cái Thia, Cai Lậy, Mỹ Quí, nhất là trận Mỹ Trà khiến Phó đô đốc Roze phải đưa viện binh từ Sài Gòn xuống cứu viện.
Tháng 4/1866, De Lagrandière tập trung quân chia làm ba mũi tấn công vào Đồng Tháp Mười. Sau gần mười ngày quần thảo với giặc, Thiên Hộ Dương ra lệnh rút lui về biên giới và Cái Thia (Cái Bè). Tháng 11/1866, Thiên Hộ Dương vượt biển về Kinh, đến cửa Thần Mẫu (Cần Giờ), bất ngờ ông bị Lý Sen, một tên cướp biển giết chết.
Thiên Hộ Dương nằm xuống, nhưng tên tuổi và sự nghiệp chống giặc giữ nước của ông mãi mãi gắn chặt với mảnh đất Đồng Tháp Mười anh hùng. Để tưởng nhớ người anh hùng có công giữ nước, từ lâu nhân dân đã xây dựng đền thờ tưởng niệm tại Gò Tháp, hàng năm có hàng chục ngàn người đến kính bái. Tên ông được đặt cho trường trung học phổ thông và con đường trong thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) và chợ Thiên Hộ ở xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè (Tiền Giang).
THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ĐỐC BINH NGUYỄN TẤN KIỀU (? - 1866)
Rất tiếc đến nay, chúng ta chưa biết họ và quê quán của Đốc Binh Kiều. Dân gian thường gọi ông là Lê Công Kiều, Trần Phú Kiều hoặc Nguyễn Tấn Kiều, nhưng phổ biến nhất là quan Lớn Thượng.
Tương truyền, ông gốc người miền Trung vào Nam sinh sống ở huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường. Khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông về Gia Định đầu quân chống giặc. Nhờ có võ nghệ và biết tổ chức nên ông được giao quyền chỉ huy một đội dân dũng. Khi đại đồn Kỳ Hoà thất thủ, ông không theo quân triều đình rút về Biên Hoà mà đưa đội nghĩa dũng của mình về đóng ở Sầm Giang, Long Hưng thuộc huyện Kiến Đăng với ý định lập căn cứ chiến đấu lâu dài. Đến khi Trương Định lập căn cứ Tân Hoà (Gò Công), Thiên Hộ Dương lập căn cứ Bình Cách, Mỹ Quý (Ba Giồng, huyện Kiến Đăng), ông đem quân về Ba Giồng hợp tác với Thiên Hộ Dương.
Ông được phong chức đốc binh và trở thành một tham mưu đắc lực của Thiên hộ. Trong suốt thời kỳ chiến đấu ở Ba Giồng, chẳng những ông lập được nhiều chiến công mà còn hết lòng trong việc tổ chức và tuyển mộ, huy động binh lương, nên ông được thăng cấp. Khi bị giặc đánh bật ra khỏi Bình Cách, nghĩa quân rút về Xoài Tư, cửa ngõ vô Đồng Tháp Mười, Thiên Hộ Dương phân công: Thủ khoa Huân đi các tỉnh miền Tây vận động tiền bạc để mua vũ khí, Thiên Hộ Dương với 100 quân, hành quân lưu động hô hào kích thích lòng yêu nước, căm thù giặc, chiêu mộ nghĩa quân, còn ông giữ trọng trách vô Đồng Tháp Mười tìm nơi lập căn cứ chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Tháng 6 năm Giáp Tý (1864), Thủ khoa Huân bị giặc bắt ở An Giang, đến tháng sau, Trương Định hy sinh ở Gò Công, nghĩa quân rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Thiên Hộ Dương quyết định rút vô Đồng Tháp Mười và đặt tổng hành dinh tại Gò Tháp. Đốc Binh Kiều được giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ. Ông huy động dân binh, nghĩa quân đào hào đắp luỹ, xây dựng đại đồn Tháp Mười suốt mấy tháng liền. Chung quanh căn cứ là hào sâu dưới cắm chông tre, kề bên là luỹ cao trên chồng tre gai, đặt lỗ châu mai, có chòi canh trên ngọn cây để canh gác. Trong đồn có nhà ở, nhà ăn, giếng nước, nhà kho, kho vũ khí, nhà tham mưu, nơi làm việc cơ mật… Tất cả đều được bố trí canh phòng nghiêm ngặt. Để bảo vệ đại đồn ở vòng ngoài có đồn Tả, đồn Hữu, đồn Tiền án ngữ các đường mòn.
Sau đó, theo phân công của Thiên hộ, Đốc Binh Kiều chỉ huy đồn Tả, chịu trách nhiệm ngăn mặt Xáng Xéo, Rạch Ruộng đề phòng giặc từ Cai Lậy, Cái Bè tiến công vô. Ông chủ động kéo quân ra đánh Cai Lậy và nhiều nơi khác, không chờ giặc tới đánh mới chống đỡ. Ông vận dụng chiến thuật du kích kết hợp với kinh nghiệm dân gian sáng tạo các cách đánh độc đáo như đốt đồng, dùng ong, dùng trâu, hầm chông… làm cho giặc Pháp và tay sai vô cùng khiếp sợ. Cả tuyến dài từ Cái Bè đến Cai Lậy, ông luôn giữ thế chủ động, giặc Pháp căm tức, nhưng không sao tiêu diệt được ông.
Trong cuộc tấn công Tháp Mười vào tháng 4 năm 1866, giặc Pháp đã dùng một lực lượng lớn để áp đảo mặt này, quyết hạ cho được đồn Tả để tiến vào Tháp Mười. Quân giặc do tên tay sai khét tiếng Trần Bá Lộc thạo đường chỉ huy tấn công hung hãn. Đốc Binh Kiều điều động nghĩa quân chống trả quyết đẩy lui nhiều đợt tấn công của giặc, đến chiều bọn chúng phải rút lui. Ông lên đài quan sát theo dõi cuộc thoái binh của giặc, chẳng may ông bị thương. Ông được đưa về gò Giồng Dung điều trị. Mấy ngày sau, được tin đại đồn thất thủ ông uất lên mà chết.
Để ghi nhớ công lao chiến đấu chống giặc giữ nước gian khổ của ông, nhân dân xây cất đền thờ tưởng niệm ông chung với Thiên hộ Võ Duy Dương tại Gò Tháp. Hiện nay, trong dân gian còn lưu truyền bài thơ ca ngợi ông:
Vì nước quên mình bởi chữ trung,
Thương dân chi sá chốn sình bùn.
Mấy năm Đồng Tháp danh vang dội,
Cọp rống ngoài truông, cáo hãi hùng,
Hai thước im lìm nơi thạch động,
Đồng bào tưởng nhớ đứng thờ chung.
Nỗi lòng nghĩ đến nhiều năm trước.
Hương lửa đều không cảnh lạnh lùng./.
Dũng Chinh (Tổng hợp từ nguồn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp)