Tháp Mười - Kinh nghiệm huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới
Cập nhật ngày: 11/04/2021 06:21:24
ĐTO - Xác định cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân (do Nhân dân, vì Nhân dân, Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ), vì thế thời gian qua, Huyện ủy Tháp Mười chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân. Mọi chủ trương phải xuất phát từ lợi ích thiết thực của Nhân dân, kết hợp hài hòa, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân. Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng trên địa bàn huyện từng bước gắn liền với công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từng bước thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu của mình để Nhân dân tin tưởng, làm theo.
Người dân xã Thạnh Lợi (huyện Tháp Mười) tích cực tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, kết hợp với hệ thống đê bảo vệ sản xuất nông nghiệp theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”
Nhận thức về công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, khắc phục dần tình trạng không còn coi công tác dân vận là của Ban Dân vận (BDV), Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chức chính trị - xã hội nữa mà xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội làm tham mưu và nòng cốt. Qua triển khai thực hiện, nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về xây dựng nông thôn mới (NTM) được nâng lên rõ rệt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM được các cấp ủy, chính quyền, các ngành quan tâm sâu sát, trong thực hiện được sự đồng tình hưởng ứng của người dân, từ đó kết quả xây dựng huyện NTM đạt theo lộ trình kế hoạch đề ra.
Ban Thường vụ Huyện ủy Tháp Mười lãnh đạo, chỉ đạo BDV Huyện ủy kịp thời cụ thể hóa các kế hoạch và hướng dẫn của BDV Tỉnh ủy về thực hiện mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng NTM”, trong đó có phân công cho Ủy ban MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội huyện phụ trách các xã trong việc thực hiện mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng NTM”, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình và báo cáo kết quả thực hiện để Ban Thường vụ Huyện ủy kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình, nhằm góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Chỉ đạo BDV Huyện ủy phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện xây dựng chuyên mục tuyên truyền về NTM, phát thanh ngày 2 buổi, mỗi buổi phát thanh với thời lượng 3 phút và Trạm truyền thanh các xã, thị trấn tiếp âm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân theo công văn chỉ đạo của BDV Tỉnh ủy.
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Tháp Mười thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động theo hướng dân chủ, sát dân, khơi dậy các phong trào thi đua lao động, học tập trong các tầng lớp Nhân dân, tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân tham gia xây dựng NTM, các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, huyện trên địa bàn huyện thông qua các buổi sinh hoạt của chi, tổ hội. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các phong trào hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng NTM” gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; vận động làm nhà tiêu hợp vệ sinh; mua bảo hiểm y tế, phòng, chống tệ nạn xã hội từ gia đình. Qua đó tập hợp ngày càng đông đảo và rộng rãi các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, kiều bào, các chức sắc tôn giáo và Nhân dân đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM của huyện.
Áp dụng cơ giới trong sản xuất lúa góp phần giảm thất thoát trong thu hoạch, nâng cao lợi nhuận kinh tế cho người dân ở huyện Tháp Mười
Gần 10 năm qua, huyện Tháp Mười đã huy động vốn Nhân dân đóng góp 1.010 tỷ đồng cho xây dựng NTM tại địa phương; vận động các mạnh thường quân xây dựng mới 171 cây cầu bê tông với tổng trị giá 75,2 tỷ đồng; thắp sáng đường quê được 293,8km, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết 2.243 căn với tổng trị giá 63,3 tỷ đồng; hàng chục ngàn ngày công lao động, hàng trăm ngàn mét vuông đất được hiến tặng làm đường và các công trình công cộng.... Nổi bật có nhiều công trình được xây dựng, góp phần đổi mới diện mạo vùng nông thôn; nhiều con đường có hàng rào, cổng ngõ khang trang, tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp vùng nông thôn. Qua đó, khẳng định công tác dân vận đã phát huy hiệu quả và lan tỏa sâu, rộng trong xã hội. Kết quả, huyện Tháp Mười có 12/12 xã đạt chuẩn NTM và vào ngày 19/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1273/QĐ-TTg công nhận huyện Tháp Mười đạt chuẩn NTM năm 2019 (sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết mà Đảng bộ huyện Tháp Mười đã đề ra).
DŨNG CHINH