Tôi đã gặp người anh hùng như thế

Cập nhật ngày: 02/10/2019 09:49:51

Tháng 12/1995, tôi được Hiệu trưởng nhà trường giao nhiệm vụ tổ chức buổi giao lưu giữa học sinh với bộ đội để chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định mời Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đại tá không quân Nguyễn Văn Bảy đến nói chuyện.


Cuộc sống đời thường giản dị của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy

Hồi ấy, sách báo nói về Anh hùng Nguyễn Văn Bảy với chiến công bắn hạ 7 máy bay của Mỹ bảo vệ bầu trời miền Bắc đã có trong thư viện trong nhà trường. Nhưng tìm gặp và mời được Anh hùng Nguyễn Văn Bảy về trường là điều chưa thầy cô nào dám nghĩ đến. Trường tôi dạy chỉ là một ngôi trường nhỏ ở Sa Đéc mà thôi.

Sáng một ngày chủ nhật, tôi tìm đến nhà ông. Sau khi rời quân đội, ông về sống tại xã Tân Phú Đông, cách trường tôi tầm 800m. Ngôi nhà ông đang sống cũng bình thường như bao căn nhà khác ở quê tôi lúc đó. Nhà vách lá, lợp tôn, không có tiện nghi gì nhiều. Cô con gái của ông mời tôi vào nhà rồi cho ông biết nhà có khách.

Trước khi đến nhà ông, tôi cẩn thận xem lại ảnh của ông trong các quyển sách mà thư viện có. Tôi mường tượng ông phải là người thật oai phong. Nhưng khi gặp ông, tôi biết mình lầm quá chừng. Người anh hùng trong đời thường không khác gì mọi người. Trang phục giản dị, nói cười sảng khoái. Tôi thấy nhẹ lòng. Ông tiếp tôi bên chiếc bàn gỗ nhỏ và vui vẻ trả lời các câu hỏi của tôi. Thấy sự thân thiện, hiếu khách của ông, tôi đặt câu hỏi:

- Bác ơi, chiếc MIG-17 được trưng bày tại công viên của Sa Đéc nay ở đâu?

Bác cho biết, chiếc MIG-17 ấy đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng của tỉnh Đồng Tháp đặt tại Cao Lãnh. Chiếc máy bay ấy nhắc lại thời gian đầu bác phục vụ trong không quân Việt Nam. Chuyện thăm hỏi kéo dài chừng hai mươi phút. Tôi bày tỏ sự mong muốn của thầy trò trường tôi về buổi giao lưu với bác – một người con anh hùng của quê hương Sa Đéc, qua đó khơi gợi lòng tự hào của các em, xây dựng tình quân dân thắm thiết. Bác Bảy đồng ý ngay và còn cho biết trường tôi là trường đầu tiên mời bác đến giao lưu từ khi bác về hưu ở Sa Đéc đến nay và tôi là người trực tiếp đến nhà gặp bác. Tôi thấy thật vui, thật may mắn. Có lẽ thông tin bác Bảy về đây không có mấy người biết ngoài quân đội.

Ngày hẹn đến. Bác Bảy tự đến trường không chờ tôi đến đón. Thầy trò trường tôi gần 900 người hào hứng đón bác. Cả trường không giấu được vẻ ngạc nhiên vì người anh hùng, vị khách mời của buổi giao lưu hôm nay quá đỗi bình dân. Bác Bảy mặc trang phục của bộ đội không quân có cả mũ kê- pi nhưng áo không cài chiếc huy chương nào. Khi bác bắt đầu buổi giao lưu, cả trường mới ồ lên rằng người anh hùng với chiến công lừng lẫy đó ngày nào cũng đạp xe qua lại trường tôi đôi lần. Khi thì đi chợ mua thực phẩm, khi thì ghé cửa hàng nông nghiệp mua ít cây giống về trồng. Không mấy ai nghĩ đó là người anh hùng huyền thoại cả nước biết tên.

Thật chân tình, ông kể cho thầy trò chúng tôi biết về quảng đời đi bộ đội của ông. Ông nhắc rằng vì thời chiến nên việc học tập và đào tạo phi công có gia giảm về yêu cầu nhưng nay là thời bình, các em học sinh phải học thật tốt, chăm chỉ rèn luyện thể lực mới mong trở thành phi công được. Ông cũng nhắc đến sự vất vả khi rèn luyện trên không trung, có lúc ông nôn thốc, nôn tháo rất mệt mà vẫn quyết tâm học tập. Ông cũng không quên kể lại kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ. Những chiếc huy hiệu có chân dung Bác được ông gìn giữ cẩn thận cho đến nay.

Lời nói ấm áp, chân tình của ông đã để lại ấn tượng đẹp về người anh hùng, về anh bộ đội trong lòng thầy trò chúng tôi. Buổi giao lưu thành công trên cả mong đợi. Ông hứa khi nào nhà trường mời đến, ông sẽ có mặt.

Thời gian sau, mỗi khi ghé thăm Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh - nằm kề bên trường tôi, tôi vẫn được ông ân cần tiếp chuyện. Ông chân tình góp ý về việc tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Ông nhắc nhở nhà trường nên nỗ lực không để trẻ bỏ học hay sa vào tệ nạn xã hội. Đồng nghiệp tôi cho biết hàng tháng ông vẫn trích một phần trong lương hưu để giúp đỡ các học sinh của trường. Có khi là phần gạo vài mươi kí. Ông tâm tư, có thể những đứa trẻ ở đây phải gánh chịu hậu quả từ cha mẹ dù chiến tranh đã lùi xa.

Sau năm 2000, ông về sống ở huyện Lai Vung. Trong một lần ông đi viếng tang người quen ở Sa Đéc, tôi đã được tiếp chuyện ông đến khuya... Chính lúc đó, ông kể tôi nghe kỷ niệm sâu sắc của đời ông là được chọn đứng hộ tang bên linh cửu Bác ngày Bác mất đến tận ba lượt trong khi những cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc cũng chỉ một lần. Sau đó, ông còn được chọn bay dẫn đầu biên đội máy bay chào tiễn đưa Bác trên bầu trời Hà Nội. Ông còn chia sẻ rằng ông luôn nói với mọi người: nếu con của ông có khuyết điểm, tập thể cần đóng góp sửa đổi cho tiến bộ. Đừng vì cha là anh hùng mà bỏ qua khuyết điểm của con. Con, cháu của ông cũng nên được đối xử bình đẳng như con em mọi người khác, tuyệt đối không nên ưu đãi gì vì học tập là nỗ lực của bản thân. Tôi thấy ấm lòng vì suy nghĩ của ông.

Nhiều trường học, đơn vị bộ đội trong và ngoài tỉnh đã đón ông đến thăm và nói chuyện truyền thống. Dù là bậc tiểu học hay trung học, ông đều ân cần tâm tình với các em học sinh. Khi ông nói lời chia tay, tình cảm thầy trò dành cho ông như người trong gia đình. Đó cũng là lời giải thích cho việc chưa bao giờ ông từ chối lời mời gặp các em học sinh.

Ông đã ra đi nhưng hình ảnh người anh hùng luôn in đậm trong tim chúng tôi. Riêng tôi, buổi gặp gỡ bác Bảy anh hùng, tôi mãi không quên.

Nguyễn Hữu Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn