Trường Sa: thân thương và thiêng liêng
Cập nhật ngày: 30/01/2015 11:35:56
Năm nay, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân tổ chức 4 đoàn công tác đi thăm, chúc Tết Ất Mùi - 2015 cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) và nhân dân trên quần đảo Trường Sa (1 đoàn đi tuyến các đảo phía Bắc, 2 đoàn đi tuyến giữa và 1 đoàn đi tuyến phía Nam của quần đảo). Tham gia cùng đoàn công tác đi các đảo thuộc khu vực phía Nam của quần đảo Trường Sa, tôi có nhiều trải nghiệm thú vị và cảm nhận nơi tiền tiêu này từ nắm đất, gốc cây, ngọn cỏ,... đến những người lính đều rất thân thương, gần gũi và thiêng liêng.

Một góc đảo Song Tử Tây
Chuyến đi này, đoàn chúng tôi có 2 lần lên mỗi đảo: trước tiên là chúc Tết, sau đó quay lại dự Đại hội Đảng của đảo, nhưng mỗi lần nghe những hồi còi tàu chào đến hay tạm biệt một đảo, ai cũng rất bồi hồi, xúc động. Nếu như mỗi lần đứng trên boong tàu nhìn thấy dáng hình của đảo ngày một gần, ai cũng nôn nao chờ cuộc hội ngộ giữa đất liền và đảo xa, thì đến phút tạm biệt, ai cũng lưu luyến, có người không cầm được nước mắt. Một đồng nghiệp của tôi chia sẻ: Trong không gian thiêng liêng, lớn lao của biển, đảo, người ở, người đi tự dặn lòng phải bỏ đi những suy nghĩ nhỏ nhen, tầm thường mà phải cống hiến, làm nhiều việc có ích hơn cho quê hương, cho Tổ quốc.
Lần đầu tiên lên đảo Song Tử Tây, tôi khá bất ngờ khi thấy những con đường đan rợp bóng cây, những con bò, con heo, gà, vịt,... đi vô tư trên sân vận động, những đàn chim bồ câu của CB,CS nuôi,... và cả tiếng ngân vang của chuông chùa. Tất cả cảnh vật, không gian ở đây đều thân quen, không khác gì đặc trưng của một vùng quê trong đất liền. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến đảo Nam Yết là hình ảnh những cánh cò trắng bay lượn và rất nhiều cây dừa đang vẫy lá như chào đón những người thân từ đất liền đến với đảo. Trên quần đảo Trường Sa, đảo Nam Yết là đảo có nhiều dừa nhất, từ biển nhìn vào không khác gì một góc nào đó của xứ dừa Bến Tre...

Dừa trên đảo Nam Yết
Đêm Trường Sa bây giờ sáng bừng ánh đèn điện như trung tâm thị trấn ở đất liền nhờ hệ thống năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Hai nguồn năng lượng này còn đảm bảo cho CB,CS và nhân dân trên đảo dùng trong sinh hoạt như đem nấu, xem ti vi, nghe đài,... Đêm trên đảo, ngoài tiếng của gió, của sóng, thỉnh thoảng có tiếng chó sủa; khoảng năm giờ sáng, có tiếng chổi của các chiến sĩ làm vệ sinh khuôn viên.
Ngoài cây phong ba, bàng trái vuông, trên các đảo nổi còn có rất nhiều loại cây kiểng, rau củ quả,... được mang ra từ đất liền. Dù điều kiện đất đai, khí hậu, nước tưới,... ở đảo có khó khăn, nhưng CB,CS vẫn tìm mọi cách để chăm sóc các cây xanh tươi để đảo có đủ hương sắc của đất liền. Chẳng hạn, ở các đảo chìm, đất trồng rau phải đem từ trong đất liền ra; trên các đảo nổi, có nơi đất không phù hợp cho cây phát triển, các CB,CS phải nhặt nhánh, lá bàng, mù u, phong ba,... chặt nhỏ, ủ mục để cải tạo đất trồng cây. Ở đảo chìm điều kiện khó khăn hơn các đảo nổi, nhất là chống chịu với sóng và gió mạnh, nhưng CB,CS vẫn luôn cố gắng để có những vườn rau xanh (cải, mồng tơi, rau muống, rau đay, rau gia vị,...) bổ sung bữa ăn hàng ngày. Tại đảo chìm Đá Nam, các chiến sĩ còn nuôi được 5 con vịt mái và đẻ suốt mấy năm qua; đảo chìm Đá Thị hiện có trên 20 con chó, khách đến chúng rất mừng!.

Bò trên đảo Song Tử Tây
Hình ảnh sáng ngời nhất là các CB,CS làm nhiệm vụ trên đảo. Họ chấp nhận xa đất liền, vượt qua mọi khó khăn vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chuyến đi này, tôi trò chuyện với nhiều CB,CS trên đảo và cảm nhận họ rất tự hào khi được tiếp nối truyền thống các thế hệ đã không tiếc tuổi xuân, máu, xương để xây dựng và giữ gìn biển, đảo, từ đó ngày đêm cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để không phụ lòng tin yêu của nhân dân cả nước. Quyết tâm của các CB,CS còn thể hiện trong lễ chào cờ đầu tuần, khi lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng đọc những lời thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc.
Không chỉ có con người, cột chủ quyền sừng sững, vững chải theo thời gian, nơi các đảo tiền tiêu còn có những con vật, những cây hoa, kiểng,... phổ biến trong đất liền. Những thứ bình dị ấy cũng góp phần khẳng định giá trị, sức sống trường tồn của biển, đảo Việt Nam.
Thành Nam