Từ “chuyện con chuột” đến “nhấc mông lên đi”

Cập nhật ngày: 21/03/2016 06:16:42

Báo Đồng Tháp, trong mục “Suy ngẫm”, số ra ngày 26/8/2015 có bài “Chuyện con chuột” và số ra ngày 19/2/2016 có bài “Hãy nhấc mông lên đi” của tác giả Xích Lô.

Một bài nói về ứng dụng công nghệ thông tin. Một bài nói về việc cần phải đi thực tế của cán bộ, công chức. Hai bài viết về hai chuyện khác nhau. Nhưng qua tìm hiểu tác động của hai bài viết đối với xã hội, lại thấy có sự liên quan mật thiết.

Không phải cán bộ nào cũng có điều kiện hoặc nhu cầu tự trang bị máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng. Kết nối quai - phai (wifi) tại nhà hoặc mở 3G, 4G phải trả tiền. Trong khi đó ở cơ quan có máy tính, điện thoại bàn, thậm chí có cả máy lạnh, quai - phai. Lúc nào cũng có mặt trong giờ làm việc sẽ được đánh giá chấp hành tốt nội qui cơ quan. Nhấc mông làm gì để vừa tốn xăng xe, vừa ảnh hưởng sức khỏe do khói bụi, nắng mưa, chưa nói có thể bị tai nạn giao thông.

Thế nên mới có chuyện nhà hộ dân trong vùng sạt lở phải di dời khẩn cấp, vì sinh kế chưa đi, nhưng lãnh đạo địa phương khẳng định đã dời rồi; mới có chuyện hoạt động mê tín dị đoan diễn ra trên địa bàn trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không biết.

Sau khi đọc bài “Chuyện con chuột”, nhiều trong số cán bộ trước giờ sợ “chuột” giật mình và bắt đầu a, b, c vi tính. Một vài người bỏ qua giai đoạn khó khăn khi lần đầu tiên tiếp cận thành tựu khoa học cao của nhân loại, với phương châm đi tắt, chỉ cần biết mở, tắt máy, rê “chuột” vào Gu - gồ (Google) với vài địa chỉ trang quép (web) để xem Sao Hỏa có sự sống không.

Khách đến liên hệ công việc, không thể không ca ngợi khi thấy ai cũng dán mắt vào màn hình máy tính.

Sau bài “Hãy nhấc mông lên đi”, có cán bộ trước giờ sợ mất ghế nay đi thực tế, xuống cơ sở với máy tính xách tay, máy tính bảng. Khi dân hỏi về Kế hoạch bầu cử Quốc hội khóa XIV, trả lời: để điện thoại hỏi Mặt trận Tổ quốc (trong khi Kế hoạch đó đang “nằm” trong máy tính).

Ngày nay, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc gần như phổ biến, không chỉ bằng máy tính mà còn bằng điện thoại di động.

Không ít nông dân muốn biết giá lúa bao nhiêu chỉ cần mở máy, lên mạng. Nhiều cán bộ đi cơ sở, thậm chí đi công tác nước ngoài vẫn có thể chỉ đạo, điều hành, xử lý văn bản cơ quan thông qua In - tơ - nét (Internet).

Một số hội nghị của tỉnh Đồng Tháp và cấp huyện tổ chức trực tuyến. Đại biểu cấp dưới vẫn được nghe nội dung, phát biểu thảo luận và tiếp thu chỉ đạo của cấp trên qua màn hình. Thời gian, kinh phí tiết kiệm được không ít.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương  chỉ đạo giải quyết phản ánh, bức xúc của người dân qua trang mạng xã hội Phây - bút (Facebook) Cổng thông tin Đồng Tháp.

Nói người lại ngẫm đến ta.

Hiện nay, biết sử dụng máy tính là yêu cầu đương nhiên của phóng viên khi tác nghiệp. Đa số phóng viên lăn xả, có nhiều tin, bài được viết tại hiện trường và gởi “meo” (E-mail) về Tòa soạn, phản ánh đúng, trúng, kịp thời, sinh động thực tế cuộc sống, góp phần định hướng dư luận xã hội. Nhưng cũng còn vài phóng viên chưa “nhấc mông lên”, ngồi nhà “xào nấu” báo cáo, kế hoạch, vụ việc từ “meo” của cộng tác viên, theo quan điểm cá nhân; hoặc lên mạng tải về những tin, bài của báo khác. Tin bài được “sản xuất” như vậy không thể có hồn, chưa nói đến tính thời sự và độ chính xác, hệ quả là làm giảm sút chất lượng tờ Báo, kéo theo là số lượng phát hành không thể tăng.

Nhấc mông lên và đi thực tế, để “gần dân, sát dân, nghe dân nói, làm dân tin” không chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động mà phải là hành động cụ thể của cán bộ, công chức, phóng viên; kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, giải quyết công việc từ xa, đồng thời có thể giải đáp kịp thời, thấu đáo thắc mắc, kiến nghị của dân, qua đó sẽ nâng cao uy tín người đầy tớ của dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn