Việt Nam đang ở đâu trên hành trình
Cập nhật ngày: 11/04/2025 10:33:38

ĐTO - Nếu như trong chiến đấu, việc “Biết địch biết ta” thì “trăm trận bất bại”. Xét cho cùng, biết ta là quan trọng nhất, đặc biệt đối với các hoạt động ở tầm quốc gia. Định vị và định hình lại mình cho chính xác sẽ là cơ sở để bước tiếp và cách đi phù hợp. Theo đó, việc hiểu Việt Nam đang ở đâu trên hành trình “định hướng xã hội chủ nghĩa” chẳng những giúp ta tránh lạc quan hay bi quan thái quá, mà còn hành xử đúng trong cuộc sống.

Nội ô thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười (Ảnh Hoàng Kha)
Trước hết, chúng ta thừa nhận tính quyết định của việc “biết địch biết ta”. Để có thể “biết” vấn đề, chúng ta phải có phương pháp tiếp cận đúng. Phương pháp luận của học thuyết Marx về cách nhìn sự vật, hiện tượng phải khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển chính là cơ sở. Dựa vào đây, Đảng Cộng sản Việt Nam xác lập phương châm: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”. Và cùng với điều ấy, nhà khoa học vĩ đại Einstein cũng đã chỉ ra: “Mỗi người nên đi tìm điều vốn thế chứ không phải điều mình nghĩ là nên thế”. Với phương pháp nhìn nhận đúng, chúng ta có thể định vị và định hình sự việc. Định vị là xác định vị trí của mình đang ở đâu. Định hình là một trạng thái ổn định, hình dung rõ ràng về một thực thể. Định vị Việt Nam đang ở đâu và trạng thái như thế nào trong hành trình phát triển có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng lộ trình và trên cơ sở ấy thiết lập chính sách hiệu lực, hiệu quả.
Trong nhiều năm trước, các tài liệu chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định Việt Nam đang ở thời kỳ quá độ lên xã hội xã hội chủ nghĩa. Sau nhiều năm thực hiện cải tạo xã hội cũ để xây dựng xã hội mới, Đảng đã nhận thức rõ hơn về thời kỳ quá độ. Đại hội V của Đảng (tháng 3/1982) cho rằng, Việt Nam đang ở “chặng đường đầu tiên”. Đến năm 1996, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã đánh giá Việt Nam “đã bước qua chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” - đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và từ năm 1996 về sau là chặng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Khi “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới”, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhận định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt” (Văn kiện, tr103). Từ nền tảng ấy, Đại hội đã đưa ra mục tiêu phấn đấu với các mốc thời gian cụ thể: Năm 2025, “Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”; năm 2030, “Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và năm 2045, “Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tr112). Đến nay, Việt Nam đã “vượt qua mức thu nhập trung bình thấp” vì sẽ có mức thu nhập bình quân 4.900 USD (Theo World Bank, quốc gia có thu nhập thấp là thu nhập bình quân dưới 1.035 USD, quốc gia có thu nhập trung bình thấp là thu nhập bình quân khoảng 1.036 - 4.045 USD, quốc gia có thu nhập trung bình cao là thu nhập bình quân khoảng 4.046 - 12.535 USD và quốc gia có thu nhập cao là thu nhập bình quân trên 12.536 USD).
Những chỉ số trên phần nào cung cấp yếu tố cho việc “định vị”. Nhưng, để “định hình” Việt Nam trong hành trình xã hội chủ nghĩa phải được làm rõ các phương diện về tính chất xã hội chủ nghĩa của kinh tế - xã hội. Đó là mức độ phát triển lực lượng sản xuất trong mối quan hệ chặt chẽ với quan hệ sản xuất; tính hoàn thiện của nền dân chủ xã hội xã hội chủ nghĩa; nền tảng văn hóa và con người; sự hài hòa giữa xã hội và môi trường; và xác lập các cấp độ trong quan hệ quốc tế. Ở đây, xét riêng về sở hữu kinh tế để thấy rõ hơn tính phức tạp của nó.
Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Và trong đó, mỗi thành phần kinh tế có vai trò khác nhau và hợp tác cạnh tranh bình đẳng với nhau giúp cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển. Nhưng, số liệu thực tế cho thấy, với gần 1 triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế) và đóng góp gần 60% vốn đầu tư xã hội. Do vậy, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao” (tr130).
Gần đây nhất, lãnh đạo Đảng và Chính phủ có chỉ đạo: “Lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Cùng với kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI: Foreign Direct Investment) với 114 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư và được xem “là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân” đang chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong xuất khẩu (hơn 70%). Như vậy, sở hữu về tư liệu sản xuất của Việt Nam hiện đan xen, chưa định hình.
Học thuyết Marx khẳng định, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng. Thực tế cho thấy, với sự “câu kết” chặt chẽ thế lực “ngầm”, “đen” trong các lực lượng này với những kẻ thoái hóa, biến chất của hệ thống chính trị đã từng và sẽ khuynh đảo nền kinh tế - xã hội. Với trạng thái này khó có đáp án về thời gian Việt Nam “kết thúc thời kỳ quá độ”. Bởi vì khi ấy, sẽ “xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh” như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V dự tính.
Việt Nam đang ở đâu trên hành trình phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa là một câu hỏi khó. Dựa vào cơ sở lý luận của học thuyết Marx - Lenin, các quy luật, xu hướng và thực tiễn Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể dự báo được những đường nét chung nhất. Nhưng hiện nay, tình hình trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy vậy, mô tả những hiện thực mà nhất là xu hướng của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nền kinh tế thị trường và quan hệ quốc tế sâu rộng sẽ thấy một Việt Nam tăng tốc hướng đến hiện đại và văn minh theo trào lưu chung của nhân loại.
DÂN BIỆN