Châu Thành: Dấu ấn và động lực từ chuyển đổi số

Cập nhật ngày: 20/05/2025 04:51:12

ĐTO - Chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, người dân là mục tiêu mà huyện Châu Thành đã và đang thực hiện. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, Châu Thành đã đạt được những kết quả đầy tích cực trên hành trình chuyển đổi số.


Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Châu Thành

Chuyển đổi số là động lực phát triển

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành ban hành các kế hoạch chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ giúp việc cấp huyện, xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông qua “Tổ công nghệ số cộng đồng” để các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức đầy đủ và tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện chuyển đổi số.

Địa phương triển khai tập huấn, hướng dẫn đội ngũ cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số để tương tác với chính quyền qua các nền tảng số; sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc tạo lập tài khoản thanh toán ngân hàng, ví điện tử; cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chính sách xã hội, sổ sức khỏe điện tử, thanh toán học phí, sổ liên lạc điện tử...


Các thành viên Tổ nhân dân tự quản Số 6, ấp An Thạnh, xã An Phú Thuận cập nhật thông tin trên nền tảng Zalo, góp phần xây dựng cộng đồng số vững mạnh

Dấu ấn từ chuyển đổi số

Đến nay, sau 3 năm triển khai, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận. Đặc biệt, hạ tầng số cùng với 3 lĩnh vực trọng yếu là giáo dục, y tế và nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực rõ rệt.

Hạ tầng số được đầu tư bài bản, trong đó mạng WAN, LAN - mạng truyền số liệu chuyên dùng được cải tạo, nâng cấp, hệ thống mạng Internet đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định và an toàn; máy tính, máy in, tivi và các thiết bị cần thiết khác phục vụ cho hoạt động của đơn vị được đầu tư đồng bộ; 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên; 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn văn bản chưa được xử lý, không còn tình trạng in văn bản ra xin ý kiến lãnh đạo.

Huyện bố trí máy hỗ trợ cho người dân để thực hiện hồ sơ trực tuyến và trang bị phần mềm “hỗ trợ người dân không viết” tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã; bố trí máy tính khảo sát sự hài lòng của tổ chức, công dân để lấy ý kiến thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa; xây dựng Trang thông tin điện tử cho 12 xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và thị trấn đô thị văn minh thực hiện công khai, minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện...


Mô hình “Camera giám sát giao thông” tại Châu Thành phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường giao thông văn minh và an toàn (ảnh do địa phương cung cấp)

Trong phát triển kinh tế số, địa phương phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử, bán các sản phẩm trên sàn Voso.vn, Postmart, Shopee, Tiki, Lazada, Buudien.vn... Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm. Hiện có 38 sản phẩm OCOP của huyện đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm dần hoàn thiện về thiết kế bao bì, nhãn mác, đồng thời bổ sung thêm tem truy xuất nguồn gốc giúp sản lượng bán ra tăng lên nhiều lần so với trước đây.

Các trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua áp dụng hệ thống dạy, học và thi trực tuyến, phê duyệt giáo án, bài giảng trên môi trường điện tử, ứng dụng thiết bị di động cho giáo viên hỗ trợ công tác quản lý dạy và học, dịch vụ sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử; triển khai, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cho người dân; triển khai hướng dẫn người dân cài đặt hồ sơ khám bệnh điện tử (Y tế Đồng Tháp) trên thiết bị di động...


Ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc trên nhãn giúp nông sản khẳng định chất lượng và tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng

Sự đồng tình ủng hộ từ người dân

Những kết quả bước đầu về chuyển đổi số của huyện được người dân đánh giá cao, từ đó tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số của địa phương. Chị Dương Thị Nga - người dân xã Phú Hựu nhận xét, hiện nay, thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến, giúp người dân giảm bớt thủ tục, tiết kiệm thời gian. Đồng thời thông qua các kênh Zalo, Facebook, Trang thông tin điện tử giúp người dân cập nhật chính sách nhanh chóng về các thủ tục hành chính, cơ chế chính sách...

Ông Lê Hoàng Minh - Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản Số 6, ấp An Thạnh, xã An Phú Thuận chia sẻ: “Trước đây, việc truyền đạt các chủ trương, chính sách hay thông tin công việc đến người dân tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, kể từ khi nhóm Zalo được thành lập, mọi thông tin đến với bà con nhanh chóng và hiệu quả hơn hẳn. Chỉ cần một tin nhắn được gửi lên nhóm, bà con đều nắm bắt được ngay các thông tin từ cấp trên. Nhờ đó, người dân nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời hiểu rõ hơn về các công việc địa phương đang triển khai”.


Mô hình sản xuất sầu riêng VietGAP kết hợp truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ số tại xã Phú Hựu là sự đổi mới trong quy trình canh tác và hướng đến phát triển bền vững

Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành chia sẻ, chuyển đổi số đã tạo ra một bước phát triển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là trong 3 lĩnh vực trọng tâm: nông nghiệp, y tế, giáo dục. Các thay đổi này tạo ra những hiệu ứng tích cực, mang lại nhiều giá trị mới, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Từ những kết quả này, thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của chuyển đổi số, địa phương sẽ chú trọng vào việc xây dựng các mô hình mới, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện...

Với lợi thế sẵn có cùng nền móng được xây dựng vững chắc từ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, trong tương lai, Châu Thành sẽ tạo ra những bước đi cần thiết, quan trọng trên hành trình chuyển đổi số để phát triển kinh tế- xã hội huyện nhà...

MỸ NHÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn