Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng: Vai trò tiên phong từ phía gia đình

Cập nhật ngày: 25/02/2017 07:11:46

Cùng với sự phát triển của internet và các dịch vụ trực tuyến, giới trẻ ngày nay, đặc biệt là trẻ em (TE) rất dễ dàng tiếp cận với nguồn thông tin và trò giải trí từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, điều đó cũng ẩn chứa nhiều cạm bẫy khôn lường khi trẻ tiếp xúc với môi trường mạng không đúng cách và thiếu kiểm soát.


Gia đình cần định hướng khi trẻ em tiếp xúc với internet. (nguồn: Internet)

Nguy cơ xâm hại từ môi trường mạng đối với trẻ

Chỉ với một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh đã có thể mang cả thế giới đến với TE. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những em bé 6 - 11 tuổi, thậm chí nhỏ hơn vẫn có thể vào internet một cách thành thạo và nhanh chóng tìm ra những trang mạng, thông tin mà đôi khi người lớn còn chưa kịp biết sẽ tìm ở đâu. Hoặc nhiều trẻ độ 12 - 14 tuổi đã có thể điều khiển các trò chơi game trên mạng một cách điêu luyện. Tất cả chỉ bằng một cú click chuột hay đưa tay lướt nhẹ trên màn hình. Bên cạnh kho thông tin, giải trí dồi dào và đa dạng, các em còn có thể giao lưu, trò chuyện với bạn bè, dù đã hoặc chưa từng quen biết, chỉ với một tài khoản cá nhân mà bất cứ ai cũng có thể tạo ra trên các trang mạng.

Nhận thức non nớt, tính hiếu kỳ ở TE cùng với sự cám dỗ đa chiều từ môi trường mạng đã tạo nên sức hút không thể cưỡng lại với đại đa số TE được tiếp cận quá sớm với internet. Thậm chí, đôi khi đã được trang bị một sự cảnh giác nhưng không ai có thể đảm bảo các em sẽ tránh được những cám dỗ giữa thế giới đầy muôn hình vạn trạng phía sau màn hình. Cũng từ đó, các em rất dễ trở thành đối tượng của bọn tội phạm công nghệ cao, dễ rơi vào trường hợp bị lừa đảo hoặc xâm hại.

Theo Thạc sĩ Vũ Thị Phương - Phó trưởng Khoa Quản lý giáo dục - Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Đồng Tháp: “Nếu không sử dụng mạng một cách hữu ích và tích cực thì rất dễ làm cho tư duy của trẻ trở nên nông cạn, phụ thuộc; hạn chế quá trình giao tiếp ở trẻ dẫn đến sự phát triển tư tưởng, tình cảm thiếu linh hoạt. Ngoài ra, việc lạm dụng mạng quá nhiều còn ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe của trẻ, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng”.

Phát huy vai trò tiên phong từ phía gia đình

Khi đến một độ tuổi nhất định và qua sự nhắc nhở của các bậc phụ huynh, phần nào các em cũng ý thức được những mặt trái từ internet. Tuy nhiên, điều đó không được phổ biến nhiều ở hầu hết lứa tuổi TE, đặc biệt là các em thiếu nhi. Để hạn chế thấp nhất những hệ lụy từ việc TE tham gia internet là chuyện không dễ dàng. Nó đòi hỏi một sự tìm hiểu thấu đáo cũng như các giải pháp căn cơ từ nhiều phía liên quan. Trong đó, gia đình giữ vai trò sâu sát và chủ yếu.

Nhiều bậc phụ huynh tâm lý, tạo cho con cảm giác chia sẻ như những người bạn, theo đó đồng hành và lắng nghe ý kiến của trẻ trong mọi mặt đời sống. Nhờ đó, họ nắm bắt được quá trình tiếp cận và sử dụng mạng xã hội của con trẻ hằng ngày. Chị Nguyễn Thị Trúc Linh ngụ khóm Thuận Phú, phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Tôi thấy phải tạo cho con tâm lý thoải mái thì sẽ dễ dàng trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của con. Ngoài ra, nếu tạo một sân chơi lành mạnh cho các bé thì kỹ năng sống của các bé sẽ phát triển nhiều hơn, hạn chế giờ bé ở nhà nhiều quá, thảnh thơi quá, không có nhiều thời gian lên máy, lên mạng để tránh các nguy cơ xâm hại từ đó”.

Thường xuyên quan tâm, định hướng cho trẻ, tạo các hoạt động sống phong phú, lành mạnh ngay tại gia đình cũng là những lời khuyên của Thạc sĩ Vũ Thị Phương khi phát huy vai trò của gia đình trong việc bảo vệ trẻ trước môi trường mạng. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên cập nhật các kiến thức cần thiết liên quan đến internet để biết cách kiểm soát, định hướng đúng đắn cho trẻ.

Duyên Nguyễn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn